Chưa xác định được nguyên nhân gây ra 4 vụ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, gây thiệt hại hơn 1ha tài nguyên lâm nghiệp. Nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn khi đang vào cao điểm nắng nóng của mùa Hè.

Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết, trong tháng 1/2022, trên địa bàn huyện đã xảy ra liên tiếp 3 vụ cháy rừng. Trong đó có 2 vụ xảy ra tại xã Nam Sơn và 1 vụ tại xã Tiên Dược. Đến giữa tháng 3/2022, tại xã Nam Sơn ghi nhận thêm 1 vụ cháy rừng.

4 vụ cháy đã gây thiệt hại tổng số 1,037ha rừng; chủ yếu là thảm thực bì dưới tán rừng thông. Đáng chú ý, những diện tích rừng bị cháy này đều do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng quản lý (cơ quan thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội).

Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Sóc Sơn.
Diễn tập chữa cháy rừng tại huyện Sóc Sơn.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, diện tích rừng bị cháy từ đầu năm 2022 đến nay giảm đến 96% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lực lượng chức năng địa phương hiện chưa xác định được nguyên nhân gây ra 4/4 vụ cháy.

Theo đánh giá của UBND huyện Sóc Sơn, hiện nay đang bước vào cao điểm mùa nắng nóng. Thời gian tới sẽ có nhiều đợt nắng nóng gay gắt tiếp diễn. Thêm nữa, các hoạt động cắm trại, pic nic trong rừng có xu hướng gia tăng, điều này tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao. 

 

Trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 4.557ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, UBND các xã, thị trấn quản lý 2.461,5ha; còn lại 2.095,5ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý. Rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn là rừng trồng, cây rừng chủ yếu là thông, keo, bạch đàn nên nguy cơ cháy rất cao...

Bên cạnh đó, các yếu tố tự nhiên, xã hội cũng làm gia tăng nguy cơ cháy rừng tại huyện Sóc Sơn. Đơn cử như rừng tại huyện Sóc Sơn phân bố dàn trải trên 11 xã, thị trấn, đặc biệt là có nhiều diện tích nằm giáp ranh với hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thái Nguyên.

Trong rừng có một số công trình tâm linh, đền, chùa, bãi tập bắn, kho quân sự, dự án xây dựng đang triển khai..., số lượng người ra vào rừng rất lớn nên khó kiểm soát. Thực tế những vụ cháy rừng cũng thường xảy ra ở nơi có địa hình phức tạp, gây khó khăn trong phòng cháy, chữa cháy…

Để thực hiện nghiêm Luật Phòng cháy chữa cháy, Luật Lâm nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, địa phương đã xây dựng phương án, tổ chức huy động lực lượng chữa cháy rừng từ nhiều tháng trước. Theo đó, huyện xác định 8 trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao để sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi xảy ra sự cố.

Hiện, UBND các xã, thị trấn là trọng điểm cháy rừng của huyện Sóc Sơn đã hoàn thiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ, máy móc cần thiết để chủ động chữa cháy theo phương châm 4 tại chỗ. Bố trí cán bộ phối hợp cùng lực lượng kiểm lâm thực hiện giám sát nguy cơ cháy rừng, nhất là vào thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài.

Ông Đỗ Minh Tuấn cho biết thêm, những tháng Hè tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị duy trì ứng trực, tuần tra, canh gác, phát hiện sớm các sự cố cháy rừng để kịp thời xử lý ngay từ giờ đầu. Cùng với đó, thường xuyên thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân và du khách đến thăm quan, cắm trại, pic nic trong rừng trên địa bàn huyện; chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần