Thời khắc này, nhiều thầy cô giáo khuyên các thí sinh nên tập trung vào giải các bài tập nâng cao, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để làm bài thi tốt nhất. Đặc biệt, khi chọn trường, cần cân nhắc kỹ, không nên chọn trường để "học đại" chỉ để có tấm bằng đại học (ĐH).
Xin đừng "học đại"
“Rất nhiều bạn sinh năm 2001 đã đăng ký danh sách khá dài những nguyện vọng, những trường ĐH cho kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong số danh sách ấy, có trường ĐH nào em muốn khao khát chinh phục bằng mọi giá? Có trường ĐH nào em cảm nhận đó là trường dành cho em? Trường ĐH nào cung cấp cho em những kiến thức, kỹ năng để có thể làm nghề, tạo dựng cho em trong suốt cuộc đời hay không? Hay chỉ là những phương án bỏ túi mà em đã chọn đại với tâm lý lỡ trượt... may ra?” – cô Trịnh Thu Tuyết – nguyên giáo viên Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An đặt ra các câu hỏi và cho rằng, tâm lý “chọn đại” có thể phần nào làm giảm áp lực trước một kỳ thi lớn. Tuy nhiên, nó sẽ làm các thí sinh mất đi động lực để chiến thắng.
Thực tế, đã có nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai chia sẻ, họ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, không có động lực khi lỡ chọn trường ĐH, các ngành học không phù hợp. Có không ít sinh viên học hết năm thứ nhất đã phải bỏ học để làm lại từ đầu vì chọn ngành không phù hợp với năng lực và sở thích.
Vì thế, nhiều năm làm công tác tuyển sinh, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh chọn ngành nghề dựa trên sự đam mê của mình. Sự đam mê đó phải dựa trên năng lực và sở trường bản thân mới có thể phát triển lâu dài. Ngoài ra, thí sinh hãy đầu tư thực sự cho điều mà bản thân mỗi người và xã hội rất cần, đó là các kỹ năng về ngoại ngữ, giao tiếp ứng xử, kỹ năng xã hội.
Hãy chắt chiu từng điểm số
ĐH không phải là con đường duy nhất để dẫn đến thành công. Nhưng ở bất cứ ngành học nào để thành công thì người học phải có năng lực kiến thức và kỹ năng. Có nhiều cách học để có năng lực và kỹ năng nhưng hiệu quả mà tiết kiệm nhất đó là môi trường đào tạo chuyên nghiệp, chương trình học đạt chuẩn.
Ngay cả khi trong quá trình học ĐH, sinh viên vẫn phải hoàn thiện và bổ sung kiến thức cùng những kỹ năng khác trong cuộc sống. Vì thế, các thí sinh phải xác định việc học ĐH rất nghiêm túc, một khoản đầu tư cực lớn, bao gồm cả tiền bạc và tuổi trẻ của mình. Thầy Nguyễn Thành Nam – giảng viên Học viện Kỹ thuật quân sự mong các thí sinh trong giai đoạn nước rút này cố gắng ôn luyện để đạt được kết quả tốt nhất.
Còn thầy Nguyễn Thành Công – giáo viên trường THPT chuyên ĐH Sư phạm khuyên các em hãy chắt chiu từng điểm số để đỗ vào trường ĐH mà mình mong muốn. Kỳ thi THPT quốc gia 2019 là một khó khăn, thử thách nhưng đây không phải là những khó khăn, thử thách cuối cùng. Phía trước là cả chặng đường dài, mỗi thí sinh cần phấn đấu không ngừng nghỉ.
Mỗi khó khăn và thử thách sẽ là một cơ hội giúp cho các em tôi luyện cho bản thân kiên cường hơn, mạnh mẽ hơn. Và, điều quan trọng nhất là các em tìm ra được những khả năng còn có thể khuất lấp, tiềm ẩn ở đâu đó trong con người mình về năng lực, sở trường, tri thức để khơi dậy và phấn đấu.
"Học và hãy nỗ lực để có được kết quả tốt nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới để đỗ vào đúng trường ĐH, đúng vào ngành nghề mà các em yêu thích, để được trải nghiệm việc học ĐH theo đúng nghĩa. Đặc biệt, các em phải lựa chọn nguyện vọng một cách có trách nhiệm, tránh tình trạng "học đại" một trường, một ngành nào đó chỉ để thỏa mãn cảm giác học ĐH, có một tấm bằng ĐH giống như mọi người." - Thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên dạy Hóa, Hệ thống giáo dục HOCMAI |