Chuẩn bị ứng phó với bão số 13 xong trước trưa mai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều tối 5/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ bàn biện pháp ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có khả năng mạnh lên thành bão trong đêm nay hoặc rạng sáng mai.

Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, từ hôm qua đến nay, ATNĐ đang di chuyển với tốc độ nhanh, bình quân khoảng 35km/h với cường độ mạnh cấp 6, giữa cấp 7. Dự báo, khoảng đêm 5/11 hoặc rạng sáng 6/11, ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão số 13. Đến trưa 6/11, tâm bão số 13 sẽ đi sát vùng biển của tỉnh Khánh Hòa với cường độ mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Sau đó bão sẽ di chuyển theo hướng Tây, khi cập bờ sẽ lệch hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ chiều 5/11.
Sớm nhất thì vào khoảng 15 - 16 giờ, chậm nhất là khoảng 19 - 10 giờ ngày mai, bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Sau khi đổ bộ vào đất liền, bão sẽ suy yếu, vượt qua các tỉnh phía Nam Tây Nguyên.

Ông Tăng lưu ý, bão số 13 đổ bộ đúng vào thời điểm triều cường ở các tỉnh ven biển và khu vực TP Hồ Chí Minh. Do đó các địa phương cần đề phòng ngập úng. Về mưa, bão số 13 sẽ không gây mưa lớn nhưng dồn dập trong vòng 24 giờ, bắt đầu từ trưa, chiều ngày 6/11. Từ sáng 7/11, mưa trải dài khắp các tỉnh Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Tại khu vực tâm bão, lượng mưa có thể lên tới 100 - 200mm, có nơi đạt 300mm.

Bão số 13 sẽ tan hết trong ngày 7/11, tuy nhiên ở ngoài khơi, cơn bão Haiyan với cường độ mạnh cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 sẽ tiếp tục vào Biển Đông vào chiều tối hoặc đêm 8/11. Bão có cường độ lớn, quỹ đạo cao, tốc độ nhanh nên các tàu thuyền phải khẩn trương có phương án ứng phó với bão. Ông Tăng cho biết thêm, nhiều khả năng, sau khi cơn bão số 14 vào nước ta, ở ngoài khơi sẽ tiếp tục có thêm cơn bão số 15.

Trước diễn biến này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ đội Biên phòng, Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương tiếp tục rà soát kỹ tàu, thuyền đang hoạt động trên Biển Đông. Trong đó, nắm bắt tình hình từng tàu thuyền, yêu cầu neo đậu vào bờ hoặc di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Khu vực nguy hiểm được xác định từ Vĩ tuyến 8 đến Vĩ tuyến 15 và vùng biển Kiên Giang, Cà Mau. Các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão thực hiện lệnh cấm biển trong ngày 6/11. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, rà soát các khu vực dân cư bị đe dọa để có phương án sơ tán dân hợp lý, chủ động. Ngoài ra, các tập trung kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để xử lý kịp thời các sự cố gây mất an toàn hồ, đập.

Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương cần rà soát phương án "4 tại chỗ", chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa bão và thực phẩm dự trữ cho nhân dân. Bởi khu vực phía Tây và Đông Nam Bộ thường ít khi chịu ảnh hưởng của bão nên người dân hay có tâm lý chủ quan. Mọi tình huống phải tính đến yếu tố biến đổi khí hậu, nghiêm trọng hơn.

 

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các Bộ Công Thương, NN&PTNT, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao tích cực tham gia phối hợp cùng các địa phương triển khai công tác ứng phó với mưa bão. Mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão phải hoàn thành trước 13 giờ ngày 6/11.

Trong ngày hôm qua, Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư cũng có công điện khẩn yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 13 và những cơn bão tiếp theo. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và các địa phương, tình đến chiều nay, các lực lượng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 133.400 tàu thuyền với gần 600.000 người biết diễn biến của ATNĐ để chủ động di chuyển, phòng tránh.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, tính đến ngày 5/11, các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận hiện hứa hiện duy trì ở mức khoảng 50% - 60% dung tích trữ thiết kế. Một số hồ có mức trữ cao là Vạn Hội (Bình Định) 81%, Hoóc Răm (Phú Yên) 98%, Suối Trầu (Khánh Hòa) 88%, Tân Giang 86%.  Các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên hồ chứa hầu hết đã đầy nước. Trong đó, các hồ đang tràn tự do gồm Sông Quao (Bình Thuận), Đắk Uy (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai), Ea Kao (Đắk Lắk), Đạ Tẻ, Tuyên Lâm, Đạ Hàm (Lâm Đồng). Hồ Ayun Hạ ( Gia Lai) đạt dung tích 98% đang xả 40 m3/s. Hồ chứa nước Dầu Tiếng đạt 92% dung tích trữ thiết kế.

Về hồ chứa thủy điện, theo báo cáo nhanh của Tập đoàn điện lực Việt Nam, tính đến  ngày 5/11, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ có 35 hồ, trong đó 5 hồ đang xả tràn gồm: KaNak 20m3/s; Ialy 11m3/s; Pleikrong 20m3/s, A Vương 35m3/s, Đak Mi 4a 26m3/s.