Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chức năng và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao

Hoa Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 8/2024/QĐ-TTg ngày 28/6/2024 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Học viện Ngoại giao là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao.
Học viện Ngoại giao là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Vị trí và chức năng của Học viện Ngoại giao

Học viện Ngoại giao là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng: Nghiên cứu chiến lược; đào tạo đại học và sau đại học; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham mưu và tư vấn cho Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Học viện Ngoại giao có tư cách pháp nhân và tài khoản riêng, được sử dụng con dấu có hình Quốc huy, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội, tên giao dịch tiếng Anh là Diplomatic Academy of Viet Nam (DAV).

Nhiệm vụ và quyền hạn của Học viện Ngoại giao

Học viện Ngoại giao có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

Về nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách: Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và dự báo chiến lược về các vấn đề khu vực và quốc tế có tác động đến môi trường, hoạt động đối ngoại và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ tư vấn, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học cho Bộ Ngoại giao trong việc hoạch định, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại và các lĩnh vực khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và khi được yêu cầu; tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế...

Về đào tạo đại học và sau đại học: Mở các ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học phục vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện của đất nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của Học viện và quy định của pháp luật; phát triển các chương trình đào tạo, xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn với quy mô, hình thức và phương pháp đa dạng, tiên tiến và hiện đại; tổ chức tuyển sinh, đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo, công nhận và cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bằng, chứng chỉ khác trong lĩnh vực đào tạo, theo quy định của pháp luật...

Về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ: Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thông qua chương trình, kế hoạch hằng năm và tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế trên phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và ngoại ngữ trong lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương theo chuyên ngành, lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và do cấp có thẩm quyền giao...

Tổ chức các hoạt động đối ngoại theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bao gồm: Triển khai các hoạt động ngoại giao với các đoàn chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế thăm Việt Nam và ngoại giao đoàn tại Việt Nam theo phân công của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; phát triển mạng lưới đối tác là các viện nghiên cứu, trường đại học, học giả, nhà báo, chính khách, doanh nghiệp, cá nhân... có uy tín, ảnh hưởng trong nước và quốc tế; thúc đẩy quan hệ với mạng lưới đối tác này phục vụ nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước; đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao...

Ngoài ra, Học viện Ngoại giao còn có nhiệm vụ thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động; bảo vệ, sử dụng tài liệu, tài sản được giao theo quy định; thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công và các hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật...

Cơ cấu tổ chức

Các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao gồm: Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao; Viện Biển Đông; Ban Đào tạo đại học và sau đại học; Ban Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ đối ngoại; Ban Khoa học, Thông tin và Tạp chí Nghiên cứu quốc tế; Văn phòng; Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao; Khoa Luật quốc tế; Khoa Kinh tế quốc tế; Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại; Khoa Ngoại ngữ.

Hội đồng Học viện là tổ chức quản trị của Học viện Ngoại giao, thực hiện quyền đại diện của Bộ Ngoại giao, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Hội đồng Học viện và Chủ tịch Hội đồng Học viện do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định công nhận và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2024 và thay thế Quyết định số 07/2019/QĐ-TTg ngày 15/2/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao.