Mặc dầu vậy, nhưng chúc Tết cũng là cả một nghệ thuật, từ việc chọn lời, đúng hoàn cảnh, đúng đối tượng, thời điểm, đúng lúc, đúng không gian… Nhiều khi lời chúc khiến đối tượng được chúc cảm thấy chạnh lòng, có thể nghĩ bị xỏ xiên. Ví như một người vừa bị phản bội, đang rất đau khổ mà chúc họ: “Chúc năm mới tràn ngập hạnh phúc” thì xem ra không hợp, dù đó là một lời chúc rất hay với những người khác. Hoặc chúc một vị lãnh đạo năm mới tiền của đổ vào nhà như nước. Ở trường hợp này, nếu đó là một người chân chính, liêm khiết, có uy tín thì sẽ không thích thú gì khi được chúc như vậy. Còn là người chưa mẫu mực, từng tham ô, tham nhũng thì sẽ nghĩ bị người chúc chơi xỏ mình.
Chọn lời chúc đúng đối tượng đã khó, nhưng chúc thế nào, tức là cách chúc cũng cần lưu ý không kém. Đó là phải chúc đúng lúc người ta có điều kiện đón nhận lời chúc của mình, có nghĩa không vì sự chúc tụng của mình mà bị phiền hà.
Từ khi điện thoại trở nên phổ biến thì thứ phương tiện này cũng được triệt để sử dụng cho việc chúc Tết thay vì phải đến tận nơi, trực tiếp. Nhưng không ít người quên rằng chính cái thứ rất tiện dụng này lại phản lại mình bởi nó làm cho người khác thấy mình chưa được văn hóa khi dùng vào việc chúc Tết. Người biết ứng xử văn hóa chỉ chúc Tết bằng điện thoại đối với bạn bè thân thiết hoặc bề dưới. Trò chúc thầy, cấp dưới chúc cấp trên, con cháu chúc bố mẹ, ông bà… không thể bằng điện thoại. Nếu vì hoàn cảnh nào đó không thể đến được thì cũng có thể chúc qua điện thoại nhưng phải có lời xin lỗi, thanh minh trước khi thăm, chúc.
Dân tộc ta có tục xông đất đầu năm. Năm mới bắt đầu từ ngay sau phút giao thừa. Lời chúc Tết đến càng sớm càng quý. Cho nên nhiều người đã nghĩ ra gọi điện thoại để chúc ngay phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới. Nhưng lại xin nhớ đến cái điều vừa nói trên về mối quan hệ trên dưới, thân sơ. Ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với mình trong năm mới. Vì vậy mà nhiều người muốn được “xông đất” bởi những người sẽ mang đến may mắn cho mình, nhưng phải là người tử tế, phúc hậu, vui vẻ, xởi lởi, được nhiều người quý mến, làm ăn có duyên… Như vậy, những người ngược lại sẽ bị tối kỵ.
Xã hội càng phát triển, mọi sinh hoạt cần phải được chú trọng theo hướng thượng tôn văn hóa. Tết đến, Xuân về xin có đôi chút giãy bày về văn hóa chúc Tết nhưng mong tập tục tốt đẹp này sẽ tiếp tục được phát huy cùng với sự bảo tồn những giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.