Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung cư – không gian sống mới của cư dân đô thị

PGS.TS Bùi Việt Thắng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tôi đã sống ở chung cư 36 năm (1983-2019), nên cũng có ít nhiều trải nghiệm để chia sẻ với người khác về cái gọi là “cư dân chung cư”, “nỗi niềm chung cư”, “văn hóa chung cư”.

Đầu tiên tôi sống ở chung cư “đời cũ” (từ 1983 đến 2007) tại khu tập thể  Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội. Khu tập thể này toàn nhà 5 tầng. Gia đình tôi được phân một căn hộ 21mét vuông, tầng 3, nhà số E9 (Nhà nước Thụy Điển viện trợ xây Bệnh viện Nhi đồng Trung ương và tài trợ mua hẳn một tòa nhà E9 để phân cho cán bộ công nhân viên của bệnh viện ở).
Vào thời điểm ấy, được vào sống trong chung cư đã là một niềm vui, vì dẫu sao nhà cửa cũng kiên cố, trên kín dưới lành, sinh hoạt thuận tiện, điện nước đầy đủ. Những dãy nhà cấp 4 lụp xụp (thậm chí mái lợp bằng giấy dầu, mùa hè nóng như thiêu đốt), được thay bằng cả tòa nhà kiên cố, lắp ghép bằng bê tông đúc sẵn. Ơ chung cư này trong khoảng thời gian 24 năm, 4 người trong một nhà, không phải là tiện dụng khi con cái lớn lên, trưởng thành, học hành,...
 Mô hình nhà tập thể từng thịnh hành khoảng những năm 60-70-80 của thế kỷ trước
Đến năm 1997- 2000, chúng tôi theo phong trào chung cũng mở rộng không gian sống lên gấp đôi. Chỉ có một khó khăn lớn là từ khi có xe máy, thì phải gửi ở tầng 1. Nhưng rồi cái khó ló cái khôn. Các nhà ở tầng 1 thêm một nghề kinh doanh mới – trông giữ xe máy ngày và đêm, hoặc theo tháng. Sống ở chung cư đòi hỏi ứng xử theo nguyên tắc đạo đức “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”.
Nhưng rõ ràng loại chung cư này có nhiều nhược điểm không tránh khỏi: bị cơi nới tùy tiện/ cái gọi là “chuồng cọp” (rất nguy hiểm khi có hỏa hoạn), mất mỹ quan chung, gây nguy hiểm cho sự bền vững của tòa nhà. Cư dân sống trong các chung cư cũ cứ tự nhiên như nhiên hắt nước thải từ trên xuống, ném rác từ trên xuống, nuôi chó mèo thoải mái mà không cần trông nom khi chúng bài tiết, đục phá sửa chữa nhà cửa tự do gây ô nhiễm môi trường vì tiếng động, bụi bặm, rác thải vô tổ chức.
 Cái tồn tại lớn nhất ở các khu chung cư/ tập thể cũ là nạn chiếm dụng đất công dưới mặt đất làm sở hữu của cá nhân để lập bãi trông giữ xe, mở quán ăn uống, các trò chơi giải trí, tạo lập “chợ cóc” gây mất trật tự công cộng, ô nhiễm môi trương, mất an ninh trật tự, biến thái văn hóa cộng đồng. Chính quyền sở tại đã nhiều lần ra quân, nhưng kết quả nhỡn tiền ai cũng thấy là như bắt cóc bỏ đĩa vỉ chỉ làm theo “tháng ra quân”, hay thậm chí “phạt cho tồn tại”, hay vì cấp trên đốc thúc, hay nhân các ngày lễ lớn của đất nước,...
Nhưng trong bối cảnh những năm 60-70-80 của thế kỷ trước thì các chung cư kiểu cũ là không gian sống đặc trưng theo chế độ bao cấp phổ biến ở các khu tập thể “nổi tiếng một thời” như Nam Đồng, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công, Vân Hồ, Yên Lãng, Thanh Xuân... Dân số Hà Nội tăng lên theo một “gia tốc”, đặc biệt sau khi mở rộng địa giới hành chính (sáp nhập Hà Tây).
Trước sau thì Hà Nội luôn là “địa linh nhân kiệt”, là trung tâm chính trị - văn hóa - giáo dục nên người người ở các địa phương tìm mọi “đổ bộ”, mọi cách bám chặt, một tấc không đi một ly không rời. Nói tóm lại trong bối cảnh mới, xét về nhiều phương diện, chung cư là không gian sống chủ đạo của cư dân thời công nghiệp, tiện dụng. Cư dân chung cư tuyệt đại đa số là CBCNVC làm công ăn lương nhà nước, sống tùng tiệm theo chế độ trước là tem phiếu, đến Đổi mới (1986), và sau đó (từ 1990) theo cơ chế thị trường tự do (sướng khổ là tùy vào năng lực cá nhân).