Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung cư Skylight 125D Minh Khai: Cư dân “tố” có nhiều sai phạm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chung cư Skylight (125D Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (COMA) làm chủ đầu tư, bắt đầu đi vào hoạt động từ khoảng giữa năm 2014.

Tuy nhiên, mới chỉ gần một năm kể từ khi các hộ dân vào sinh sống, Ban quản lý (BQL) khu chung cư này đã bị người dân “tố” hàng loạt sai phạm như cho thuê phần diện tích sử dụng chung đã ghi trong hợp đồng, chất lượng dịch vụ không tương xứng với mức phí, nhiều khoản chi tài chính thiếu minh bạch…

Bất hợp lý sử dụng diện tích chung

Theo Giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng TP Hà Nội cấp, chung cư Skylight gồm 2 nhà ở chung cư, mỗi tòa cao 22 tầng và tầng kỹ thuật, tầng áp mái và có 2 tầng hầm. Trong đó, tầng kỹ thuật được ghi rõ trong hợp đồng mua bán căn hộ thuộc phần sở hữu chung. Tuy nhiên, theo phản ánh của cư dân, phía chủ đầu tư là COMA đã không thực hiện đúng một số điều khoản trong hợp đồng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của cư dân. Cụ thể, tầng kỹ thuật đang được BQL cho thuê làm phòng tập thể hình khi chưa có sự đồng ý của người dân. Bên cạnh đó, một phần diện tích thuộc tầng kỹ thuật cũng đang được sử dụng làm văn phòng cho BQL, chi phí thuê văn phòng 13,2 triệu đồng/tháng đang được tính vào phí dịch vụ của các cư dân tại đây.
Tầng 1 của tòa nhà hiện là một nhà hàng ăn uống gây mất vệ sinh chung.
Tầng 1 của tòa nhà hiện là một nhà hàng ăn uống gây mất vệ sinh chung.
Trả lời phóng viên về vấn đề người dân phản ánh, ông Nguyễn Tường Lân - Phó Giám đốc BQL chung cư Skylight giải thích, trong các hướng dẫn và văn bản pháp quy của Bộ Xây dựng không có định nghĩa về tầng kỹ thuật. Trong hợp đồng, chủ đầu tư đưa ra khái niệm tầng kỹ thuật có nghĩa là tầng chứa hệ thống kỹ thuật, bao gồm cả sở hữu chung và sở hữu riêng. Những phần thuộc hệ thống kỹ thuật sẽ là sở hữu chung, còn diện tích trong tầng đó hoặc ở các vị trí khác mà không phải là sử dụng chung thì sẽ là sở hữu riêng, riêng của ai lại là vấn đề khác.

Như vậy, phải chăng đã có sự mập mờ trong việc thực hiện hợp đồng bởi trong hợp đồng có ghi tầng kỹ thuật thuộc phần sở hữu chung nhưng trên thực tế, BQL lại cho rằng, chỉ có các hệ thống kỹ thuật nằm trên tầng này mới là sở hữu chung, còn các diện tích khác dù cho nằm trên tầng kỹ thuật nhưng vẫn là sở hữu riêng? Ông Lân giải thích, theo thiết kế ban đầu, tầng kỹ thuật được bố trí để các hệ thống kỹ thuật điện, nước, máy phát điện dự phòng, máy bơm sinh hoạt, máy bơm cứu hỏa, hệ thống điều hòa, hệ thống kỹ thuật thông tin... Nhưng trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã điều chỉnh lại, đưa một phần hệ thống kỹ thuật xuống dưới tầng trệt và 2 tầng hầm để tránh gây tiếng ồn khi hoạt động. Việc thay đổi thiết kế và thi công đã được báo cáo đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, việc thay đổi này có liên quan đến các nội dung quy định trong hợp đồng như vị trí tầng kỹ thuật, các phần sở hữu chung lại không được thông báo cho người dân.

Chất lượng dịch vụ không tương xứng

Không chỉ “tố” chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, người dân tại chung cư Skylight còn cho rằng, chất lượng dịch vụ ở đây không tương xứng. Hiện tại, sảnh tầng 1 của tòa CT1 được BQL cho nhà hàng ăn uống thuê mặt bằng. Theo phản ánh của người dân, nhà hàng này thường xuyên chế biến thức ăn và nuôi nhốt gia cầm ngay tại vỉa hè tầng 1 gây mất vệ sinh, thường xuyên gây ồn ào. Thậm chí, tại đây còn nhiều lần diễn ra hoạt động hát karaoke sau 23 giờ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Anh L.T.M, một cư dân sinh sống tại chung cư Skylight cho biết, người dân đã nhiều lần kiến nghị di dời nhà hàng kinh doanh ăn uống đi nơi khác để đảm bảo môi trường sống tại chung cư nhưng BQL vẫn không giải quyết. Bên cạnh đó, trong việc quản lý phí điện, nước của BQL cũng gây nhiều bất bình cho người dân. Vào thời điểm tháng 11/2014, một số hộ dân gặp phải tình trạng lượng nước tiêu thụ đột nhiên tăng gấp đôi bình thường hàng tháng. Anh M. cho biết, hàng tháng, gia đình anh sử dụng hết khoảng 20m3 nước nhưng tháng 11/2014, lượng nước tiêu thụ tăng đột biến lên 39m3. “Tôi đã phản ánh lên BQL và có sự chứng kiến của BQL, tại căn hộ của gia đình tôi, khi đo lượng nước thực tế chảy ra từ vòi là 60l trong khi đồng hồ lại chỉ 120l” - anh M. bức xúc nói.

Về vấn đề này, ông Lân cho biết, diện tích mà BQL chung cư cho nhà hàng thuê thuộc phần diện tích thương mại của chủ đầu tư, vì vậy, việc này là hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, BQL cũng thừa nhận trong quá trình kinh doanh dịch vụ ăn uống, hội nghị, có xảy ra tình trạng ảnh hưởng đến VSMT. BQL sẽ tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc nhà hàng thực hiện đúng các quy định và có các biện pháp mạnh như cắt điện, từ chối cung cấp dịch vụ nếu xảy ra vi phạm.

Ngoài các mâu thuẫn giữa người dân và BQL chung cư về việc sử dụng phần sở hữu chung và chất lượng dịch vụ, người dân còn nghi ngờ về cách quản lý thiếu minh bạch của BQL trong các khoản thu - chi của tòa nhà. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.