“Điều kỳ lạ của Việt Nam là chung cư không chỉ sử dụng vào mục đích để ở mà còn dùng đặt văn phòng, thậm chí buôn bán hóa chất, sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân do nguy cơ cháy nổ cao. Chúng ta có Luật nhưng chưa làm mạnh tay dẫn đến tình trạng nhiều DN chây ỳ, không thực hiện quy định di dời" - GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhận xét. Hỗn tạp “ở, thuê” Khảo sát tại khu tái định cư B6C khu đô thị Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội), phóng viên ghi nhận ở hầu hết tầng căn hộ đều có các công ty thuê làm văn phòng. Cá biệt tại tầng 9 có đến 3 văn phòng môi giới địa ốc. Thậm chí, khi thấy phóng viên tỏ ý tìm căn hộ để thuê văn phòng tại tòa này thì từ nhân viên trông xe, người bán trà đá đều nhiệt tình “dẫn mối”. “Nếu chị có nhu cầu, em sẽ liên hệ chính chủ cho, giá dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng tùy từng khu nhà, diện tích căn hộ”, một “cò” mau mắn tư vấn.
Tại “thiên đường” văn phòng cho thuê khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, cảnh tượng người thuê, kẻ mướn diễn ra công khai, tấp nập. Cả mặt bằng tầng 2 của tòa nhà 18T2 đều kín văn phòng làm việc của DN. Anh Q., một thành viên của Ban quản trị tòa nhà cho biết, hiện tại, những tầng thấp của tòa nhà đã được các DN thuê hết, giá thuê từ 10 - 12 triệu đồng/tháng. Khi khách thuê yêu cầu được giảm giá do thời điểm này đang “siết” DN kinh doanh trong chung cư thì anh Q. này trấn an: “Năm nào, Bộ Xây dựng chẳng ra một vài văn bản liên quan đến việc không được sử dụng chung cư ngoài mục đích ở. Tuy nhiên, ra quy định rồi để đấy chứ có thấy cơ quan chức năng nào xử lý đâu? Cho nên anh, chị cứ yên tâm khảo giá, so với giá thuê trên phố, khu vực này “mềm” hơn rất nhiều”. Đáng chú ý, nhiều căn hộ khu tập thể cũ như Thành Công, Khương Thượng… cũng được sửa chữa, cơi nới thành văn phòng giao dịch. Theo một số người dân sinh sống tại đây, người ở cứ ở, kẻ thuê vẫn thuê khiến tình hình an ninh xáo trộn do xuất hiện quá nhiều người lạ mặt. Người dân lúc nào cũng nơm nớp lo sợ phát sinh các loại tệ nạn xã hội. Một lãnh đạo DN tại tập thể Thành Công cho biết, thời điểm bị cấm, công ty cũng định xuống phố thuê, nhưng thấy các đơn vị khác vẫn “yên vị” nên ở lại. Giá tiền thuê nhà hơn 5 triệu đồng/tháng dễ thở hơn các khu cao ốc hay nhà mặt phố. Thậm chí, nhiều tổ chức kinh doanh còn “rỉ tai” nhau chiêu “lách”, lấy địa chỉ đăng ký kinh doanh một nơi và sau đó chuyển hoạt động về làm việc tại chung cư để tiết kiệm kinh phí. Hệ quả của sự “nhân nhượng”? Phân tích về vấn đề này, luật sư Bùi Quang Hưng - Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự cho biết, theo Luật Nhà ở, nhà ở là công trình xây dựng với mục đích “để ở” và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, mục đích sử dụng của nhà ở là phải để ở. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Luật, là chủ sở hữu nhà ở hợp pháp, người dân có toàn bộ các quyền luật định dành cho chủ sở hữu nhà ở và không hề có quy định về việc hạn chế chủ sở hữu nhà ở chỉ được cho thuê nhà ở với mục đích sử dụng làm nhà ở. Điều này cho thấy, có độ “chênh” khá lớn giữa quy định của Luật Nhà ở và thực tiễn áp dụng luật đối với mục đích sử dụng nhà ở. Và trong khi công tác quản lý Nhà nước còn “lấn cấn” thì khó cấm sử dụng nhà chung cư làm văn phòng khi nhu cầu mặt bằng kinh doanh giá rẻ luôn tồn tại. Theo ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, việc quy định đưa tất cả hoạt động khác không phải mục đích ở ra khỏi các khu chung cư là quy định đúng, nhất là những hoạt động làm ảnh hưởng đến nơi ở của mọi người. Chung cư là nơi diễn ra cuộc sống chung, không ai có thể đem những hoạt động riêng phá hỏng cuộc sống ở đây. Chắc chắn nhiều cá nhân hay tổ chức chưa thực hiện ngay bởi vì ở Việt Nam bao giờ cũng phải có tác động khá mạnh thì họ mới thực hiện. Lúc này, cơ quan quản lý về các ngành nghề cũng như chính quyền xã, phường, thị trấn phải có những tác động gây áp lực để thực hiện quy định này. Có như vậy, chúng ta mới có được những nơi ở đúng chuẩn. Ở góc nhìn khác, các DN cho rằng nếu cấm tất cả sẽ làm khó cho DN nhỏ, chi phí eo hẹp. Do đó, nên nới lỏng hơn, phân chia DN nhỏ, siêu nhỏ với DN lớn để tạo điều kiện cho DN được thuê tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, ông Võ phản biện: “Theo tôi, đến lúc chúng ta cũng phải cương quyết thực hiện, không phân biệt DN lớn hay nhỏ. Trước đây, chính tôi cũng có ý kiến trong hoàn cảnh quá thiếu chỗ ở thì có thể nhân nhượng, nhưng để hướng tới một đô thị hiện đại thì không nên để tất cả hoạt động khác chen lấn vào nơi ở”.
Dãy chung cư tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Thanh Hải |
Chuyên gia nhận định Bao giờ thanh, kiểm tra định kỳ? Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc sử dụng chung cư làm văn phòng không phải là vấn đề mới ở các nước. Các DN chỉ vài ba nhân viên lại phải thuê mặt bằng ở phố sẽ tốn kém chi phí. Ngược lại, DN có số lượng nhân viên 30 - 40 người nhưng sử dụng căn hộ chung cư sẽ làm tăng tải trọng và công năng tòa nhà lên nhiều lần. Do đó, không có một chính sách nào đáp ứng đầy đủ quyền lợi của tất cả các đối tượng trong xã hội, mà chỉ có thể đảm bảo quyền và lợi ích cho số đông người dân. Trước mắt có thể ảnh hưởng tới một bộ phận các DN. Tuy nhiên, về lâu dài, họ sẽ yên tâm hơn khi đặt văn phòng tại các công trình được thiết kế đúng chức năng, hoạt động trong môi trường an toàn, văn minh thương mại và tuân thủ các quy định của luật pháp. Điều quan trọng là Bộ Xây dựng phải tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ, sàng lọc nghiêm túc thì câu chuyện cấm sử dụng chung cư ngoài mục đích để ở mới hiện thực hóa. Hằng Vân ghi |