Khi mở bán, giá chung cư cao cấp tại Hà Nội cách đây vài năm trung bình dao động ở mức 38-45 triệu đồng/m2 thì nay mức giá này đồng loạt tụt xuống dưới 30 triệu đồng/m2.
Đơn cử, tại thời điểm đầu khi mở bán dự án Golden Palace (Mễ Trì) được chào bán với giá 38 triệu đồng/m2, dự án chung cư Mandarin Garden có giá bán 42-45 triệu đồng/m2... Nhưng đến nay, khi thị trường bất động sản rơi vào tình trạng khó khăn, sức mua giảm thì mức giá đó đã trở nên quá cao.
Nhằm “đẩy” hàng, chủ đầu tư đã phải tìm đủ mọi cách cắt giảm các phần nội thất cao cấp trang trí, chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện đơn giản hoặc bàn giao nhà thô, hỗ trợ nội thất, chiết khấu… để có giá bán hợp lý hơn với thị trường.
Nhiều dự án cao cấp ở Hà Nội đã được chủ đầu tư "hạ cấp" bán ngang giá căn hộ trung cấp để "hút" khách, giảm tồn kho.
|
Thậm chí, nhiều dự án cao cấp cũng đã tự “hạ cấp” thành căn hộ xây thô kéo mức giá giảm xuống 29-30 triệu đồng/m2, có dự án giá còn thấp hơn như dự án chung cư Golden Palace giảm xuống chỉ ở mức 22-25 triệu đồng/m2, dự án chung cư cao cấp Golden Land (Thanh Xuân) cũng bàn giao thô ở mức giá dao động 25-27 triệu đồng/m2….
Hay như tại dự án Hồ Gươm Plaza (quận Hà Đông) vốn là dự án căn hộ cao cấp nhưng đến nay khi đã hoàn thiện đủ nội thất thì giá bán cũng chỉ dao động từ 22-29 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT). The Spark Hoàng Quốc Việt của Tập đoàn Nam Cường cũng chỉ ocnf trên dưới 20 triệu đồng/m2, ngang giá so với những dự án chung cư trung cấp, bình dân trên thị trường Hà Nội.
Chưa hết, nhiều dự án vốn cũng định vị là dự án cao cấp ở Hà Nội sau một thời gian dài “đắp chiếu” đến khi tái khởi động thì lại chào bán ra thị trường với mức giá chỉ ngang với dự án căn hộ trung cấp, trên dưới 20 triệu đồng/m2 căn hộ đã hoàn thiện. Điển hình như: dự án CT1 Trung Văn của Vinaconex 3, Green Star của CTCP Ngôi Sao An Bình, HP Landmark Tower của CTCP Đầu tư Hải Phát…
Thị trường căn hộ cao cấp từ vài năm nay vốn ảm đạm, thanh khoản thấp trong khi phân khúc căn hộ trung bình, bình dân lại tăng thanh khoản vì có mức giá phù hợp với nhu cầu số đông người dân có nhu cầu về nhà ở. Vì thế, việc nhiều chủ dự án tự “đánh tụt” giá bán căn hộ dự án cao cấp xuống hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông là nhằm kích thích người mua, đồng thời cũng là cách để tự cứu mình khi “chôn” vốn vào phân khúc cao cấp.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng: Đó cũng là một cách để nhiều chủ đầu tư “đẩy” hàng tồn kho, nhất là những căn hộ cao cấp.
Theo ông Đực, việc giảm giá loại căn hộ này thì đương nhiên chất lượng cũng giảm. Tuy nhiên, việc bán căn hộ xây thô cũng để lại nhiều hệ lụy sau này như người dân không sửa chữa nhà đồng hộ, có gia đình chưa có điều kiện hoặc chưa có nhu cầu ở thì chưa hoàn thiện ngay, đến năm khác mới hoàn thiện thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, vệ sinh, thang máy….
“Việc chủ đầu tư hạ cấp căn hộ, hạ giá bán nhà cho thấy họ không còn quá quan trọng về vấn đề uy tín, mà uy tín lớn nhất là làm sao chủ dự án có tiền mặt để trả nợ. Ai cũng phải tự “hạ giá” để “cứu” mình chứ không ai lấy một uy tín xa hoa để rồi chết trên cái xa hoa đó”, ông Đực đánh giá.
Với mức giá hiện được nhiều chủ dự án vốn định vị là cao cấp nhưng tự “đánh tụt” giá xuống dao động quanh mức 25 – 27 triệu đồng/m2, ông Đực cho rằng đó là mức giá hợp lý khi mức lợi nhuận của chủ đầu tư giảm bớt để “đẩy” hàng và người dân có thu nhập trung bình có thể tiếp cận được loại nhà này.
Một chuyên gia khác cho rằng, việc tự hạ cấp, hạ giá căn hộ cao cấp bằng nhiều hình thức như giao nhà thô cho khách hàng là cách làm khôn ngoan của chủ đầu tư, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, khắc phục những sai lầm về đầu tư dự án cao cấp một thời. Về lâu dài, việc xây dựng dự án nhà ở thuộc phân khúc nào cần phụ thuộc vào nhu cầu, thị trường để có sự đầu tư hợp lý, tránh tình trạng nhiều dự án cao cấp “đắp chiếu” như hiện nay.