Chúng em muốn lắng nghe và thấu hiểu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV những bạn đại diện cho trẻ em trên cả nước đã có cơ hội trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Những khuyến nghị của các em rất tích cực thể hiện tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của các em đối với Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành để việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em ngày càng tốt hơn”- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan khẳng định tại Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ IV năm 2015 với chủ đề Lắng nghe trẻ em nói, diễn ra hôm nay ngày 8/8.

Khu biệt thự Tây Hồ (Hà Nội) - nơi diễn ra diễn đàn, 192 trẻ em đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em trong cả nước được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, bày tỏ ý kiến với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể hữu quan.

Trong không khí sôi nổi, thân thiện và cởi mở, các đại biểu trẻ em mạnh dạn thẳng thắn trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến thiết thực và sâu sắc. Có 4 nội dung chính được 4 nhóm trẻ em trình bày bằng những hình thức rất sinh động, đó là quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường; quyền tham gia của trẻ em trong cộng đồng; quyền tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách.
Trẻ em đặt câu hỏi tới các Bộ, Ngành
Trẻ em đặt câu hỏi tới các Bộ, ngành
Không chỉ thế, sau phần trình bày của từng nhóm, có đến vài chục em đứng lên đặt câu hỏi rất “nóng” đến lãnh đạo các bộ, ngành. Đối với Bộ GD&ĐT, các em muốn được trả lời làm sao để có sự tương tác giữa thầy và trò trong lớp học? Có cách nào để các em được trang bị nhiều kỹ năng sống? Trước tình trạng đuối nước ở trẻ nhỏ diễn ra nhiều trong mùa hè, các em muốn học bơi được có trong môn Thể dục. Giáo dục giới tính cần được đưa vào chương trình học chính. Bộ GD&ĐT đã chấn chỉnh dạy thêm học thêm nhưng tình trạng này vẫn còn nhiều, các em muốn được giảm áp lực học…

Đối với Bộ LĐTBXH, Bộ Xây dựng, Bộ VH-TT&DL, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, lãnh đạo địa phương, các em muốn được hồi âm về việc làm sao để các em có sân chơi? Từ trước đến nay, trước khi ban hành các văn bản pháp luật, các em có được lấy ý kiến? Làm sao để các em tham gia nhiều hơn hoạt động cộng đồng? Các em cũng thông tin đến các lãnh đạo nhiều bạn nhỏ ở Sa Pa (Lào Cai) phải đi kiếm tiền, bị tảo hôn. Nhiều bạn học sinh vùng dân tộc quan tâm đến các thiết chế văn hóa ở bản làng. Các bạn nhỏ ở thành thị phản ánh chưa có nhiều bữa ăn ngon, đảm bảo vệ sinh trong nhà trường ….

Để quyền tham gia của trẻ em ngày càng được thực hiện tốt hơn, các em khuyến nghị: Trong gia đình cha mẹ cần nâng cao kiến thức về quyền của trẻ em, đặc biệt làm quyền tham gia. Cha mẹ đặt mình vào vị trí của trẻ để trở thành người bạn thân thiết, thấu hiểu mong muốn của trẻ…

Ở nhà trường, các lãnh đạo, thầy cô tạo điều kiện và hỗ trợ để trẻ em có thể giao lưu, kết bạn, hòa đồng với nhau. Tạo mối quan hệ gần gũi giữa giáo viên và học sinh để giáo viên thấu hiểu, lắng nghe và giải quyết các vấn đề mà học sinh gặp phải…

Tại cộng đồng chúng em muốn các bác, cô, chú đổi mới truyền thông về quyền trẻ em cho toàn bộ cộng đồng; có nhiều hơn các bộ phim hoạt hình, truyện tranh sinh động để trẻ em hứng thú tìm hiểu về quyền trẻ em…

Chúng em cũng muốn các bác ở Bộ GD&Đ nghiên cứu giảm tải chương trình lý thuyết trên lớp, tăng cường giờ học ngoại khóa và dạy kỹ năng sống phù hợp với từng độ tuổi để các em có thể phát triển toàn diện.

Phát biểu tại diễn đàn này, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, Ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp các khuyến nghị và thông điệp của các em để báo cáo Quốc hội, Chính phủ và gửi đến các bộ, ngành cơ quan hữu quan để nghiên cứu giải quyết, thực hiện. Kết quả của việc giải quyết các khuyến nghị tại Diễn đàn sẽ được phản hồi đến trẻ em cả nước tại Diễn đàn trẻ em Quốc gia lần thứ V vào năm 2017.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần