Chứng khoán 10/1: Vốn hóa Vingroup bị một ngân hàng theo sát trên bảng xếp hạng

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong phiên hôm nay 10/1, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn của ngân hàng tăng mạnh, đặc biệt là cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 3,33%, nâng vốn hóa ngân hàng này lên 166.470 tỷ đồng, bám sát vốn hóa của Vingroup trên bảng xếp hạng.

Cổ phiếu ngân hàng khiến chứng khoán "xanh vỏ đỏ lòng"

Từ đầu năm 2024, cổ phiếu các ngân hàng liên tục tăng mạnh, làm đầu tàu kéo thị trường chứng khoán đi lên. Kết phiên hôm nay 10/1, VN-Index tăng 2,95 điểm (0,26%) lên 1.161,54 điểm. Tuy tăng điểm nhưng thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng mà rất nhiều nhà đầu tư ngán ngẩm, đó là hiện tượng “xanh vỏ, đỏ lòng”.

Cụ thể, mặc dù tăng điểm, nhưng trên bảng điện chỉ có 267 mã tăng, trong khi đó có 428 mã giảm. Ngoài ngân hàng và bảo hiểm tăng mạnh, hầu hết các nhóm ngành khác đều chìm trong sắc đỏ.

Bảng điện chỉ có 267 mã tăng, trong khi đó có 428 mã giảm
Bảng điện chỉ có 267 mã tăng, trong khi đó có 428 mã giảm

9/10 mã cổ phiếu đóng góp điểm số nhiều nhất cho VN-Index là các mã ngân hàng, xếp theo thứ tự là: VCB,  BID, CTG, VPB, TPB, ACB, SHB, STB và HDB. Nhóm 9 mã ngân hàng này đã đóng góp khoảng 8 điểm tăng cho chỉ số. Phía ngược lại, 5 mã kéo lùi chỉ số là FPT, HPG, VHM, VNM và VIC chỉ khiến cho chỉ số “bốc hơi” hơn 2 điểm, không bằng mức đóng góp của 1 mã VCB.

Một số cái tên đáng chú ý của ngân hàng có thể kể đến như TPB tăng 4,23%, CTG tăng 3,33%, BID tăng 2,93% hay SHB tăng 2,56%. SHB hôm nay tiếp tục có giao dịch lớn đột biến lên đến hơn 94 triệu cổ phiếu. Đây cũng là cổ phiếu có giá trị giao dịch lớn nhất thị trường hôm nay với hơn 1.129 tỷ được giao dịch. 

Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng thì hầu hết các nhóm khác đều bị điều chỉnh trong ngày hôm nay. Trong đó bất động sản là nhóm có mức giảm lớn nhất toàn thị trường. Một số cái tên đáng chú ý có thể kể đến như DIG giảm 2,19%, PDR giảm 2,1% hay DXG giảm 1,02%. 

Một nhóm khác cũng giảm điểm tương đối mạnh đó là chứng khoán. Rất nhiều cổ phiếu trong đồng loạt bị bán ra với khối lượng lớn, điển hình như VND giảm 1,81%, BSI giảm 1,5% hay VIX giảm 1,47%.

Một số cổ phiếu khác đáng chú ý như HNG cũng tiếp tục giảm 4,33%, EVF giảm 4,17% hay HQC giảm 3,42%. 

Vốn ngoại tiếp tục bán ròng phiên thứ 7 liên tiếp với giá trị 216 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào quỹ FUEVFVND (111 tỷ đồng), ở chiều ngược lại, khối ngoại mua vào các cổ phiếu ngân hàng VCB (71 tỷ đồng), CTG (64 tỷ đồng)...

Vốn hóa Vingroup bị một ngân hàng theo sát trên bảng xếp hạng

Trong phiên hôm nay 10/1, loạt cổ phiếu vốn hóa lớn của ngân hàng tăng mạnh: VCB, BID, đặc biệt là cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 3,33% lên mức 31.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 166.470 tỷ đồng. Con số này kém vốn hóa của VinGroup một ít khi VIC giảm nhẹ 0,68% xuống mức 43.600 đồng/cp, tương ứng vốn hóa còn 166.712 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2024, vốn hóa của VietinBank đã tăng gần 21.000 tỷ đồng trong khi Vingroup đã mất hơn 3.800 tỷ vốn hóa.

Sáng ngày 6/1 vừa qua, VietinBank (mã chứng khoán CTG) đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Báo cáo tại Hội nghị, ông Trần Bình Minh - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, năm 2023 là một năm kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn với những diễn biến khó lường, song VietinBank đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 với nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch giữa nhiệm kỳ. 

Cụ thể, đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%. 

Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank cuối tháng 9/2023 là 1,37%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể trong quý cuối cùng của năm và mức 1,15% cũng thấp hơn so với cuối năm 2022 (1,24%). 

Thu ngoài lãi của VietinBank tăng trưởng tích cực, đóng góp lớn vào tổng thu nhập. Ngân hàng tối ưu hóa chi phí, quản trị chi phí hiệu quả, từ đó tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 28%, thấp nhất trong nhóm Big 4, và là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất ngành.

Ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên hơn 53.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020.