Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 14/3: Cao su Việt Nam băng băng leo dốc bất chấp thị trường giảm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp các nhịp chỉnh của thị trường trong những phiên gần đây, cổ phiếu GVR của Cao su Việt Nam vẫn tăng đều. Trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gần 30% giá trị.

Thị trường điều chỉnh nhẹ

Hôm nay thị trường mở phiên khi dòng tiền giao dịch mạnh suốt trong phiên sáng. Tuy nhiên, sang phiên chiều, áp lực chốt lời khiến hàng loạt cổ phiếu lao dốc khiến VN-Index có lúc giảm sâu hơn 11 điểm, sau đó dòng tiền bắt đáy xuất hiện trong nhịp điều chỉnh, đã kéo chỉ số bật hồi lên ngưỡng 1.265 điểm khi đóng cửa. Thị trường khép lại phiên 14/3 với mức giảm nhẹ 6,25 điểm, tương đương 0,49%, xuống 1.264,26 điểm.

Toàn thị trường có 411 mã tăng, 353 mã giảm.
Toàn thị trường có 411 mã tăng, 353 mã giảm.

Cổ phiếu ngân hàng có đến 3 mã góp phần giảm điểm của VN-Index đó là VCB, BID và DTG lần lượt lấy đi 1,3 điểm, 1,2 điểm và 0,9 điểm. Hầu hết cổ phiếu trong nhóm này đều giảm trên 1% như VCB, CTG, VPB, TCB, BID, MBB, ACB, STB, VIB, LPB, TPB, EIB, OCB, MSB. Đây cũng là nhóm ngành giao dịch bi đát nhất phiên khi sàn HoSE không ghi nhận cổ phiếu nào tăng giá.

Cổ phiếu chứng khoán phân hóa mạnh. Trong khi SSI giảm 0,26%, HCM giảm 1,38%, FTS giảm 2,07%, BSI giảm 2,28%, CTS giảm 1,29% thì VCI tăng 1,16%, VIX tăng 3,48%, VDS tăng 1,38%, ORS tăng 2,23%, APG tăng 2,38%.

Cổ phiếu bất động sản, đặc biệt là họ Vingroup cũng phân hóa khi VIC tăng 2,11%, VRE đứng giá tham chiếu còn VHM giảm 0,12%. Ở chiều ngược lại có KBC tăng 3,19%, DIG tăng 1,85%, HDG tăng 2,05%, CTD tăng 1,72%, IJC tăng kịch trần.

Nhóm sản xuất có HPG giảm 1,46%, VNM giảm 0,42%, MSN giảm 2,47%, SAB giảm 1,51% nhưng GVR tăng 1,55%, DGC tăng 0,79%, VGC tăng 0,34%, HT1 tăng 2,64%.

Cổ phiếu bán lẻ cũng trong tình trạng tương tự khi MWG giảm tới 2,68%,PNJ giảm 0,59%, chỉ có DGW tăng nhẹ 0,3%. Cổ phiếu hot nhất những ngày qua là FRT cũng ghi nhận giảm 2,53%, 

Cổ phiếu dầu khí là một trong những ngành hiếm hoi có phiên tăng trong hôm nay, cụ thể: PVB tăng tới 7,8%, PVD tăng 4,94%, PTV tăng 4,76%, POS tăng 3,94%. Các mã như BSR, GAS, PVS, PVC, OIL cũng đều tăng từ 2% trở lên.

Toàn thị trường có 411 mã tăng, 353 mã giảm. Thanh khoản ở mức 32 nghìn tỷ đồng. Khối ngoại hôm nay xả ròng đột biến hơn 815 tỷ đồng, trong đó tập trung vào VHM (165 tỷ đồng), VNM (135 tỷ đồng), FRT (108 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, khối này tập trung mua ròng SSI (130 tỷ đồng), PVD (70 tỷ đồng), PVS (54 tỷ đồng)...

GVR tăng gần 30% thị giá trong 1 tháng

GVR là một trong những cổ phiếu ít chịu ảnh hưởng của thị trường nhất trong các phiên rung lắc vừa qua và luôn là cổ phiếu nằm trong top các cổ phiếu có chỉ số cao nhất trong phiên. Riêng trong phiên hôm nay, cổ phiếu này cũng nằm trong top 3 cổ phiếu tích cực nhất trong phiên khi mang về cho VN-index hơn 0,5 điểm, tăng 1,55% lên 32.800 đồng/cp. Tính từ 14/2 đến 14/3, tức là trong vòng 1 tháng, cổ phiếu này đã tăng gần 30% thị giá.

Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 ở mức gần 25.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023 và lợi nhuận trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng, gần như tương đương so với mức nền thấp của năm 2023.

Tuy nhiên, sang năm 2025, Cao su Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 tăng mạnh lên mức 28.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế lên hơn 5.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, GVR lên kế hoạch sử dụng hơn 1.100 tỷ cho đầu tư xây dựng cơ bản trong năm 2024, gấp 77 lần con số năm 2023 (13 tỷ), đồng thời trích thêm 145 tỷ cho đầu tư tài chính dài hạn.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận công ty mẹ, GVR dự kiến "dốc hầu bao" chi trả cổ tức 3% , tương ứng chi ra khoảng 1.200 tỷ đồng, còn lại 254 tỷ dùng để trích lập các quỹ theo quy định.