Khối ngoại đổ tiền mua cổ phiếu bất động sản và chứng khoán
Mở cửa phiên sáng 2/2, VN-Index duy trì trạng thái tăng ở phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, ở những phút cuối, áp lực bán ra từ nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến chỉ số này quay đầu giảm. VN Index chốt phiên với số điểm nhẹ nhàng 0,47 điểm xuống còn 1.172,55 điểm.
Toàn sàn HoSE có 267 mã giảm, 199 mã tăng và 89 mã đứng giá. Thống kê, nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là 3 ngân hàng VPB, BID và CTG. Cùng tạo áp lực lên chỉ số là các mã ngân hàng như VIB, MBB, TPB, OCB, SHB. Lực kéo từ sức tăng của VCB, HDB và ACB là không đủ để "cứu" VN-Index thoát hiểm cuối phiên khi 3 cổ phiếu này chỉ đóng góp cho chỉ số chung gần 1,3 điểm.
Dù bị bán ra mạnh nhưng nhóm ngân hàng lại không đóng góp nhiều vào thanh khoản so với nhóm bất động sản. Trong đó, riêng trong phiên hôm nay, dòng diền đổ vào bất động sản lên đến gần 4,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi thanh khoản toàn thị trường đạt hơn 22 nghìn tỷ. Ngoài ra, trong phiên hôm nay, một số mã chứng khoán cũng hút tiền mạnh. Theo thống kê, Top 5 mã có giá trị giao dịch lớn sàn HoSE là NVL (1.130 tỷ đồng), PDR (967 tỷ đồng), SSI (823 tỷ đồng), DIG (738 tỷ đồng), VIX (691 tỷ đồng).
Đáng chú ý, nhóm bất động sản và chứng khoán cũng nằm trong Top các mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, gồm: PDR, NVL, DIG, SSI.
Mặc dù thị trường chỉ còn vài phiên giao dịch trước kỳ nghỉ Tết nhưng dòng tiền vẫn duy trì trên mốc 20.000 tỷ đồng. Cụ thể, có hơn 914 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị giao dịch đạt 20.028 tỷ đồng. Tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 22.750 tỷ đồng.
Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng 210 tỷ đồng trên sàn HoSE. Top 5 mã bị bán ròng mạnh nhất là VNM (80 tỷ), PC1 (53 tỷ), VPB (42 tỷ), GEX (42 tỷ), VHM (40 tỷ). Ở chiều ngược lại, khối ngoại xuống tiền mua PDR (hơn 154 tỷ), NVL (hơn 90 tỷ), MWG gần 60 tỷ.
Cổ phiếu FPT tăng gần 7% trong 2 phiên, tài sản ông Trương Gia Bình tăng gần 500 tỷ
Sau thời gian tích lũy đi ngang, bắt đầu từ hôm qua 1/2, cổ phiếu của FPT đã có 2 phiên tăng ngoạn mục. Sau 2 phiên giao dịch, cổ phiếu của FPT đã tăng tổng cộng 6,49% lên 102.000 đồng/cp, lập đỉnh lịch sử mới kể từ khi thiết lập đáy hôm 31/10/2023. Vốn hóa thị trường của cổ phiếu này tăng tương ứng gần 129.536 tỷ đồng (hơn 5,3 tỷ USD), tăng 50% so với thời điểm cách đây một năm.
Cổ phiếu FPT tăng mạnh, cũng khiến tài sản ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT biến động mạnh. Chỉ trong vòng 2 phiên giao dịch, với việc sở hữu 77.158.194 cổ phiếu, tài sản của ông Trương Gia Bình đã ghi nhận tăng hơn 486 tỷ đồng.
Đà tăng của FPT được hỗ trợ tích cực sau khi công bố kết quả kinh doanh khởi sắc. Năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 9.203 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,6% và 20,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của công ty công nghệ này kể từ khi hoạt động.
Được biết, mới đây, VINASA cũng quyết định thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp Chip Bán dẫn Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sẽ trực tiếp tham gia, và chỉ đạo hoạt động của Ủy Ban.
Tổ chức giáo dục FPT cũng vừa nhận chuyển giao chương trình đào tạo thiết kế vi mạch bán dẫn từ Học viện Jetking Ấn Độ, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong 2 phiên đầu tháng 2, 2 người "anh em" thuộc họ FPT là FRT và FTS cũng liên tục có mức tăng dù không nhiều.