Cổ phiếu bất động sản bị chốt lời
Kết thúc phiên đầu tháng (1/8/2023), cổ phiếu bất động sản bị chốt lời trên diện rộng, trong đó, nhà đầu tư xả mạnh NVL, đẩy thanh khoản lên 53,1 triệu cổ phiếu, cao nhất toàn thị trường. NVL giảm 5,6% xuống 17.800 đồng/cổ phiếu. 2/3 cổ phiếu Vingroup là VHM, VRE giảm giá. VHM kết phiên giảm 0,3%, VRE giảm 1,9%. Cổ phiếu bất đồng loạt điều chỉnh, HPX đã nằm sàn. Các mã tăng mạnh vừa qua bị chốt lời, NVL giảm 5,6%, DIG giảm 4,2%, DXG giảm 5%, HQC, PDR, TCH, KBC, CEO, SCR, LDH, DRH... ngập trong sắc đỏ.
Điểm sáng của nhóm bất động sản, cũng như thị trường nói chung là VIC. VIC bước sang phiên thứ 2 tăng trần liên tiếp, đóng cửa ở mức 58.900 đồng/cổ phiếu, thanh khoản 12,2 triệu đơn vị. Như vậy, chỉ sau hai phiên tăng trần liên tiếp, giá cổ phiếu VIC đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nửa năm qua, vốn hóa Vingroup theo đó đã tăng thêm hơn 28.000 tỷ đồng.
Diễn biến tích cực trên dường như phản ánh việc Vingroup vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II tích cực. Cụ thể, tập đoàn công bố tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi 6 tháng đầu năm, bao gồm doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính đạt 102.530 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nỗ lực của VIC không thể giúp VN-Index cân bằng lại.
Cổ phiếu của các nhà thầu nổi sóng, đáng chú ý là nhóm nhà thầu trong liên danh VIETUR tham gia gói thầu 5.10 sân bay Long Thành cùng tăng mạnh. VCG, PHV, CCI, HAN tăng kịch trần. Gói thầu 5.10 xây dựng sân bay Long Thành trị giá 35.200 tỷ đồng, bao gồm việc thiết kế bản vẽ thi công và thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị cho công trình Nhà ga hành khách của dự án thành phần 3 – các công trình thiết yếu trong cảng hàng không. Đây cũng gói thầu lớn nhất tại sân bay Long Thành. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, EVG, CTD giảm sàn. HBC giảm mạnh 5,6%.
Các nhóm cổ phiếu lớn, thanh khoản cao khác như chứng khoán, thép cũng ngập sắc đỏ .Trong khi đó, cổ phiếu ngân hàng góp phần giữ nhịp thị trường, để VN-Index không rơi quá sâu. Các đại diện ngân hàng BID, CTG, SSB, EIB... chiếm áp đảo trong nhóm dẫn dắt thị trường.
Phiên này, VN-Index giảm 5,34 điểm (0,44%) xuống 1.217,56 điểm. HNX-Index giảm 0,2 điểm (0,08%) xuống 239,35 điểm. UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (0,96%) lên 90,21 điểm. Thanh khoản khớp lệnh HoSE rất cao, lên đến 24.947 tỷ đồng.
Áp lực chốt lời tiếp tục tăng
Công ty Chứng Tiên Phong, TPBS nhận định, việc liên tục bứt phá trong thời gian qua khiến thị trường nhiều khả năng sẽ gia tăng áp lực chốt lời trong những phiên tiếp theo. Trong trường hợp này, ngưỡng 1.200 điểm giờ đây sẽ là hỗ trợ gần nhất cho chỉ số chung và nếu vùng cản này vẫn trụ vững, cơ hội hướng đến mục tiêu trên là vẫn còn.
Việc VN-Index bứt phá hoàn toàn khỏi mức cản 1.200 điểm đã kích hoạt dòng tiền mua mới trở lại khi tâm lý nhà đầu tư đã trở nên lạc quan hơn sau khi nỗi lo về mức cản đã không còn. Với tâm lý này, chỉ số đã thành công thu hút dòng tiền mới tham gia, qua đó, giúp thanh khoản duy trì đà tăng trên mức trung bình 20 phiên gần nhất. Hiện tại, mục tiêu tiếp theo mà chỉ số hướng đến là vùng đỉnh 52 tuần.
Chuyên gia của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động lên kế hoạch giao dịch ngắn hạn, bán giảm những mã cổ phiếu có diễn biến yếu hơn thị trường, ưu tiên nắm giữ các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành đang có xu hướng thu hút dòng tiền như bất động sản, dầu khí và chỉ giải ngân thêm tối đa 30% so với tỷ trọng cổ phiếu đang nắm giữ.
Còn Chứng khoán SHS nhận định, trong ngắn hạn, thị trường tiệm cận kháng cự quanh mốc 1.230 điểm và có thể sẽ xuất hiện các phiên điều chỉnh, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể kiên nhẫn chờ đợi thị trường rung lắc để giải ngân vào những mã thu hút dòng tiền bởi xu hướng trung hạn vẫn tích cực.
Với nhà đầu tư trung, dài hạn, trong trường hợp muốn gia tăng tỷ trọng nhà đầu tư có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.