Chứng khoán 20/11: Bất chấp lùm xùm Vạn Thịnh Phát, VN-Index vẫn lấy lại mốc 1.100

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trái với lo sợ của nhiều nhà đầu tư sau vụ việc bê bối của Vạn Thịnh Phát, thị trường chứng khoán vẫn lấy lại dần thế cân bằng trong phiên sáng và lấy lại mốc 1.100 cuối phiên.

Khối ngoại trở lại mua ròng mạnh mẽ, thị trường vẫn hồi phục sau tin Vạn Thịnh Phát

Các tin tức xấu về vụ việc Vạn Thịnh Phát khiến nhà đầu tư như lửa đốt 2 ngày cuối tuần, lo sợ khả năng bán tháo sẽ xảy ra khi thị trường mở cửa vào phiên đầu tuần. Thế nhưng trái ngược lại với kịch bản mà nhà đầu tư lo sợ, lực bán chỉ khiến chứng khoán giảm đầu phiên sáng. Sau đó, VN-Index tăng mạnh trở lại vào đầu phiên chiều. Kết phiên, chỉ số VN-Index tăng 2,47 điểm, tương đương 0,22%, lên 1.103,66 điểm. 

Toàn thị trường có 313 mã tăng, 367 mã giảm
Toàn thị trường có 313 mã tăng, 367 mã giảm

Thị trường với tác động tích cực của các cổ phiếu trụ như SSI (2,86%), GVR (2,83%), TPB (1,18%), VIC (1,18%). Cuối phiên, VN-Index chịu áp lực bán mạnh từ các cổ phiếu như MWG (-2,05%), MBB (-1,1%), VRE (-1,1%), nhưng vẫn có lực cầu cân lượng cung trở lại và giữ chỉ số VN-Index đóng cửa trên mốc tham chiếu.

Cổ phiếu chứng khoán bật tăng rất mạnh. Theo đó, SSI tăng 2,86%, VND tăng 4,69%, VCI tăng 2,36%, HCM tăng 2,26%, VIX tăng 4,32%, FTS tăng 3,54%, CTS tăng 5,62%, AGR tăng 3,33%, BSI tăng kịch trần.

Cổ phiếu bất động sản cũng diễn biến khả quan. Sắc xanh áp đảo sắc đỏ, trong đó nhiều mã tăng trên 1% như VIC, KBC, PDR, DIG, TCH, DXG, ITA, QCG. SZC thậm chí còn tăng kịch biên độ.

Nhóm ngân hàng phân hoá rõ rệt. Số mã tăng - giảm - đứng giá tham chiếu khá cân bằng và đa phần biến động trong biên độ hẹp.

Tình hình tương tự ở nhóm sản xuất. Trong đó, HPG tăng 0,57%, GVR tăng 2,83%, DCM tăng 0,32% nhưng VNM giảm 1%, MSN giảm 0,78%, SAB giảm 1,1%.

Cổ phiếu năng lượng có xu hướng giảm nhẹ, còn cổ phiếu hàng không có xu hướng tăng nhẹ. Với nhóm bán lẻ, MWG giảm 2,05%, FRT giảm 1,36% trong khi PNJ tăng 0,13%.

Hôm nay khối ngoại trở lại mua ròng với giá trị đạt 459 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó tâm điểm bán chủ yếu là các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Quỹ ETF FUEVFVND là mã được khối ngoại rót tiền vào nhiều nhất với gần 180 tỷ đồng, tiếp đó là SSI với hơn 68 tỷ. Ở chiều ngược lại, FUESSVFL là mã bị bán ròng nhiều nhất 50,5 tỷ, tiếp đến là VRE hơn 38 tỷ, VNM gần 36 tỷ, VHM gân 34 tỷ. MWG tiếp tục bị bán ròng gần 36 tỷ. Trong vòng 10 phiên, MWG đã bị khối ngoại bán ròng tổng cộng hơn 460 tỷ.

Cổ đông lớn rời MWG

Gần đây, cổ phiếu MWG là tâm điểm bán ròng, rút vốn của khối ngoại. Nhóm quỹ đến từ Singapore là Arisaig Partners vừa bán thêm 114.000 cổ phiếu MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, giảm sở hữu xuống dưới 5% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.

Trong đó, quỹ bán ra là Arisaig Asia Fund Limited đã bán 114.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,458%, về 3,45% vốn điều lệ. Trước đó, ngày 11/4, quỹ Arisaig Asia Fund Limited cũng bán ra 2.397.200 cổ phiếu. Ngày 24/5, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd bán ra 1.338.300 cổ phiếu. Ngày 21/6, quỹ Arisaig Asia Fund Limited bán ra thêm 668.900 cổ phiếu. Ngày 24/7, Arisaig Asia Fund Limited vừa bán ra 576.000 cổ phiếu. Ngày 28/8, nhóm quỹ liên quan Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd tiếp tục bán thêm 2.102.900 cổ phiếu MWG.

Tương tự, nhóm quỹ Dragon Capital cũng liên tục bán ra cổ phiếu MWG. Trong đó, ngày 3/4, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 979.600 cổ phiếu. Ngày 1/11, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 4.137.900 cổ phiếu MWG, giảm sở hữu từ 7,19%, về còn 6,91% vốn điều lệ.

Diễn biến cổ phiếu MWG thời gian gần đây.
Diễn biến cổ phiếu MWG thời gian gần đây.

Tính từ ngày 13/9 - 20/11, cổ phiếu MWG đã giảm 29,85%, từ đỉnh 57.500 đồng/cp, về 40.550 đồng/cp. 

Lũy kế 9 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần 86.858 tỷ đồng, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 77,4 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này còn rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ trong năm nay.