Cổ phiếu bất động sản tích cực
Kết phiên sáng 23/8, VN-Index giảm 4.35 điểm xuống còn 1.176,14 điểm. HNX-Index giảm 0.52 điểm, giao dịch quanh mức 239 điểm.
Trước đó, mở cửa phiên sáng, VN-Index tăng hơn 15 điểm và vượt mức 1.190 điểm, tuy nhiên đến gần cuối phiên, lực bán trở lại khiến các chỉ số chính lui về quanh mốc tham chiếu rồi tiếp tục giảm điểm.
VIC là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất trong rổ VN30 khi giúp nâng đỡ chỉ số chung tới gần 2 điểm, tiếp đó lần lượt là GAS đóng góp 0.58 điểm và TCB cũng góp gần 0.5 điểm. Trái lại, VCB, VHM và STB là những cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN30-Index khi lấy đi hơn 3 điểm.
Sau pha tăng giá ngoạn mục của cổ phiếu Vinfast trên sàn chứng khoán Mỹ đêm qua, VIC cũng bắt đầu tăng trưởng trở lại và kết phiên sáng với mức giá 66,600 đồng/cp, tăng 3.26%. Các cổ phiếu ngành bất động sản khác cũng duy trì được xu hướng tăng với DXG và DIG cùng tăng 1.57%, NVL tăng 2.16%. Chỉ số ít có sự sụt giảm nhẹ gồm VRE giảm 0.85%, CEO giảm 1.2%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa mạnh khi TCB tăng 1.51%, OCB tăng nhẹ 0.27%. Ngược lại, STB giảm hơn 3%, VCB giảm 2.04%, và SSB giảm 1.42%.
Nợ xấu Sacombank tăng, cổ phiếu tiếp tục bị khối ngoại bán ròng
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (mã CK: STB) ghi nhận nợ xấu của ngân hàng này ở mức 8.226 tỷ đồng, tăng cao đến 91,3% chỉ trong 6 tháng.
Cụ thể, nếu tại ngày đầu năm 2023, lượng nợ xấu của Sacombank đang được kiểm soát ở ngưỡng 0,98% tổng cho vay khách hàng (tương đương dư nợ 4.299 tỷ đồng), thì chỉ trong 6 tháng, con số này đã tăng thêm 3.927 tỷ đồng và ở mức 8.226 tỷ đồng (tương đương 1,8% tổng cho vay khách hàng). Như vậy, tỷ lệ tăng nợ xấu ở mức 91,3% so với đầu năm.
Trước đó, trước khi bước vào năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản khi kết thúc năm phải đạt mức 657.800 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động 574.600 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 491.600 tỷ đồng và kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Tuy nhiên, chỉ 6 tháng đầu năm nợ xấu đã tăng từ 0,98% lên 1,8%.
Cổ phiếu của ngân hàng này đã liên tiếp ghi nhận khối lượng nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh từ đầu tuần.
Phiên ngày 22/8, khối ngoại xả ròng 199 tỷ đồng cổ phiếu của STB và sáng nay tiếp tục xả 35 tỷ đồng, khiến cổ phiếu của ngân hàng này giảm 3.58% trong phiên sáng nay chỉ còn 31.000 đồng/cp.
Trong sáng nay, khối ngoại xả ròng 520 tỷ, trong đó HPG bị xả nhiều nhất với 99 tỷ đồng, SSI tiếp tục bị xả 82 tỷ, sau đó là VHM, VND và STB.