Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 26/10: Cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất 45% thị giá

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên 26/10 chứng kiến sự hoảng loạn của nhà đầu tư khi cổ phiếu bị bán tháo ồ ạt, thanh khoản tăng vọt lên hơn 25 nghìn tỷ, hàng trăm cổ phiếu nằm sàn, trong đó có 3 cổ phiếu họ nhà Vin. Cổ phiếu VIC bị mất gần 45% thị giá từ đỉnh thiết lập hôm 17/8.

Nhà đầu tư bán tháo hoảng loạn, thị trường rơi thẳng đứng

Diễn biến phiên sáng 26/10, thị trường chứng khoán gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi lao dốc không phanh ngay từ đầu phiên. Áp lực bán gia tăng trên diện rộng, nhất là ở nhóm bluechip khiến thị trường không còn lực đỡ. Chưa đầy 1 tiếng giao dịch, VN-Index đã mất gần 50 điểm.

Sau giờ nghỉ trưa, VN-Index tiếp tục tạo đáy mới trong phiên chiều mà không có nhịp phục hồi, thậm chí có thời điểm, chỉ số giảm gần 52 điểm. Nếu như phiên sáng, thanh khoản cao nhưng lượng dư bán thấp, chứng tỏ lực mua từ thị trường vẫn còn, đến phiên chiều, cổ phiếu dư bán sàng tăng vọt, chứng tỏ sức mua đã "chào thua". Thị trường không còn khả năng phục hồi. VN-Index kết phiên bốc hơi 46,31 điểm còn 1.055,45 điểm. Có tới 114 cổ phiếu giảm kịch sàn trên HoSE và tính chung 3 sàn khoảng 164 mã.

Toàn thị trường có hơn 100 mã nằm sàn
Toàn thị trường có hơn 100 mã nằm sàn

Cả rổ VN30 có tới 6 mã giảm sàn và chỉ có 7 mã thu hẹp mức giảm so với phiên sáng: CTG tăng 1,43%, thu hẹp mức giảm còn -2,24% so với tham chiếu lúc đóng cửa. BID cải thiện 1,38%, còn giảm 0,49%, HDB cải thiện 1,8% còn giảm 2,86%, MWG cải thiện 1,57% còn giảm 3,45%, VPB cải thiện 1% còn giảm 3,81%.

Nhóm 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index ngoài VIC và VHM vẫn nằm sàn từ sáng, còn lại VCB giảm 1,52%, BID giảm 0,49%, GAS giảm 6,09%, VPB giảm 3,81%, VNM giảm 2,9%, CTG giảm 2,24%, HPG giảm 5,2%, FPT giảm 4,51%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng bị dìm xuống đáy. Cụ thể, VND, VIX, FTS, CTS, AGR, TVS đều rơi kịch biên độ. Trong khi đó, SSI giảm 6,82%, VCI giảm 6,72%, HCM giảm 6,62%, VDS giảm 6,48%.

Cổ phiếu năng lượng cũng lao dốc không phanh. Theo đó, GAS giảm 6,09%, POW giảm 3,57%, PGV giảm 5,65% còn PLX thì giảm kịch sàn.

Cổ phiếu hàng không và bán lẻ cũng diễn biến tiêu cực: VJC và HVN lần lượt mất đi 2,92% và 4,95% giá trị; MWG giảm 3,45%, PNJ giảm 0,4% và FRT giảm 2,21%.

Nhóm ngân hàng mặc dù không có mã nào "lau sàn" nhưng cũng rất nhiều mã mất hơn 3% giá trị, như VPB, TCB, MBB, ACB, STB, VIB, OCB, LPB, MSB.

Lý do cổ phiếu họ Vin bị giảm sàn

Trong hàng loạt mã cổ phiếu nằm sàn, cổ phiếu họ nhà Vingroup gồm VIC, VHM và VRE cũng giảm hết biên độ từ phiên sáng. Liên quan đến nhóm cổ phiếu Vingroup, đại diện tập đoàn này đã có những thông tin cung cấp cho nhà đầu tư.

3 cổ phiếu họ Vin nằm sàn
3 cổ phiếu họ Vin nằm sàn

Theo đó, tối ngày 25/10, Vingroup đã hoàn thành giao dịch chào bán 250 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu Vinhomes do Vingroup sở hữu, đáo hạn vào năm 2028.  Đây là trái phiếu hoán đổi trên thị trường quốc tế đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2023 và đánh dấu sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế đến Vinhomes nói riêng và ngành bất động sản Việt Nam nói chung.

Vingroup thông tin thêm: "sáng 26/10, một số nhà đầu tư quốc tế tham gia vào giao dịch Vingroup phát hành trái phiếu hoán đổi đã bán cổ phần Vinhomes để hoàn tất giao dịch đầu tư vào trái phiếu (thực hiện hedging). Đây là việc bán Hedging (phòng vệ giá) giữa các nhà đầu tư với 1 số lượng hạn chế, và Vinhomes không phát hành thêm cổ phần mới nên không có pha loãng".

Cũng theo tập đoàn này, nhà đầu tư trái phiếu hoán đổi cũng đã tìm được nhà đầu tư cho đa số khối lượng cổ phiếu cần bán, nên ảnh hưởng đến thị trường được đánh giá sẽ ngắn hạn và không đáng kể.

Tính từ đỉnh 75.600 đồng/cp thiết lập từ hôm 17/8, cổ phiếu VIC đã bị mất đi gần 45% thị giá. Kết phiên 26/10, cổ phiếu VIC giảm sàn xuống chỉ còn 41.600 đồng/cp. Đang sở hữu 691.274.400 cổ phiếu, tương đương với mức giảm này, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng mất đi hơn 23.500 tỷ đồng.