Chứng khoán 4/4: dòng tiền bắt đáy xuất hiện sau ngày "giông bão"
Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên giao dịch đầy kịch tính khi VN-Index ghi nhận mức giảm mạnh vào đầu phiên nhưng sau đó phục hồi đáng kể nhờ dòng tiền bắt đáy.
Dòng tiền bắt đáy giúp thị trường phục hồi
Mở cửa phiên giao dịch ngày 4/4, VN-Index tiếp tục chịu áp lực bán mạnh sau thông tin Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa Việt Nam. Thị trường có thời điểm mất tới 72 điểm, khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang. Tuy nhiên, dòng tiền bắt đáy mạnh mẽ đã xuất hiện vào phiên chiều, đặc biệt là từ các nhà đầu tư nội, giúp thị trường dần ổn định.

Dòng tiền bắt đáy giúp thị trường phục hồi
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò trụ cột trong sự phục hồi này. Đáng chú ý, VIC tăng 2,03%, LPB tăng 1,66% và VNM tăng 3,54%, góp phần đáng kể vào việc kéo VN-Index lên từ mức đáy. Cổ phiếu LPB thậm chí tăng kịch trần, trong khi nhóm VN30 thu hẹp đà giảm và tiến sát tham chiếu.
Ngoài nhóm cổ phiếu liên quan tỉ phú Phạm Nhật Vượng, LPB của ngân hàng do ông Nguyễn Đức Thụy làm chủ tịch tăng trần cũng góp công lớn vực dậy chỉ số.
Ở nhóm ngân hàng, không chỉ LPB, mà STB (+2,3%), SHB (+2,99%), VIB (+0,54%), NAB (+1,56%)… "rủ nhau" tăng giá trở lại.
Còn ở nhóm bán lẻ, VNM của Vinamilk thêm 3,5% thị giá sau phiên giao dịch giằng co, trong khi MWG của Thế giới Di động vẫn chịu áp lực điều chỉnh (-3,47%)…
Liên quan tới MWG, diễn biến mới nhất, ông Vũ Đăng Linh đã được bổ nhiệm chức tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Thế Giới Di Động từ ngày 3-4.
Với nhóm chăm sóc sức khỏe, cổ phiếu TTD của Công ty cổ phần Bệnh viện Tim Tâm Đức còn tím trần, khi tăng hết biên độ 15%.
Giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động, với khối lượng khớp lệnh trên HoSE đạt gần 2 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị lên đến gần 40.000 tỷ đồng - mức cao nhất trong lịch sử. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tay hơn 2.800 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn “xả” mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị bán ròng hơn 2.800 tỷ đồng.
Trong đó, cổ phiếu FPT bị khối ngoại “xả” mạnh nhất, với giá trị hơn 580 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu VCB (376,47 tỷ đồng), cổ phiếu SSI (279,45 tỷ đồng), cổ phiếu TPB (195,29 tỷ đồng), cổ phiếu FUEVFVND (115,18 tỷ đồng), cổ phiếu PNJ (113,17 tỷ đồng), …
Ở chiều mua vào, khối ngoại “gom” mạnh nhất cổ phiếu GEX với giá trị 369,53 tỷ đồng. Theo sau là cổ phiếu SHB (173,8 tỷ đồng), cổ phiếu HVN (48,24 tỷ đồng), cổ phiếu KDH (45,96 tỷ đồng), cổ phiếu VIC (38,12 tỷ đồng), …
Quyết định áp thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong hai phiên gần đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của Dragon Capital, tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu sang Mỹ trong rổ VN-Index chỉ chiếm 2%, nên tác động thực tế không quá nghiêm trọng. Các nhóm ngành bị ảnh hưởng chính gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm và thép, chiếm khoảng 5,5% VN-Index.
Chính phủ Việt Nam đã có những động thái kịp thời để ứng phó, trong đó có quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm tăng cường hợp tác và chủ động thích ứng với chính sách thuế quan của Mỹ. Đồng thời, Bộ Công Thương đã gửi công hàm đề nghị Mỹ xem xét lại quyết định áp thuế.
Một cổ phiếu hàng không quay đầu cất cánh, khối lượng giao dịch lên đỉnh 3 tháng
Trong phiên giao dịch ngày 4/4, cổ phiếu HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bất ngờ tăng mạnh sau phiên giảm sàn trước đó. Có thời điểm, thị giá HVN tăng trên 2%, đi ngược xu hướng giảm chung của thị trường. Kết phiên, cổ phiếu này ghi nhận mức tăng gần 1,8% lên 28.400 đồng/cổ phiếu, với khối lượng giao dịch đạt 6,3 triệu đơn vị – cao nhất trong hơn 3 tháng qua.
Sự phục hồi của HVN diễn ra trong bối cảnh Vietnam Airlines công bố kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2024. Theo báo cáo tài chính sau kiểm toán, tổng doanh thu và thu nhập khác của doanh nghiệp đạt 113.746 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục 7.958 tỷ đồng.
Nguyên nhân giúp Vietnam Airlines đạt kết quả khả quan đến từ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hàng không quốc tế, chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu. Ngoài ra, hãng đã đàm phán thành công việc xóa nợ hơn 4.710 tỷ đồng cho Pacific Airlines, cải thiện hiệu quả kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con.
Dù có kết quả kinh doanh tích cực, cổ phiếu HVN vẫn thuộc diện kiểm soát do lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Hiện Vietnam Airlines đang triển khai Đề án tổng thể giai đoạn 2021-2035 nhằm tái cơ cấu tài chính và phục hồi bền vững. Một trong những kế hoạch quan trọng là dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp trị giá khoảng 3,7 tỷ USD, giúp nâng tổng số máy bay của hãng lên 169 chiếc vào năm 2035.
Việc HVN bật tăng trong phiên 4/4 cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu này, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động mạnh.