Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 6/2: Ngân hàng vẫn hút tiền, khối ngoại xả ròng hơn 410 tỷ đồng

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên 6/2, ngân hàng tiếp tục thu hút dòng tiền khi thanh khoản đạt hơn 2,5 nghìn tỷ, đây cũng là chỉ số gồng gánh VN-Index vượt cản 1.190 điểm, tuy nhiên lực bán từ các cổ phiếu vừa và nhỏ đã khiến VN-Index chỉ dừng ở mức 1.188 điểm.

Nhóm cổ phiếu vua phân hóa

Ngay sau phiên ATO sáng nay 6/2, thị trường chứng khoán tăng vượt mốc 1.190 điểm với ưu thế lớn ở chiều mua. Các cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tạo lực kéo chính khi CTG tiếp tục tăng 1,03%, VIB tăng 1,63%, TCB tăng 1,3%, STB tăng 0,85%; các mã VPB, TPB... tăng giá nhẹ. Ngược chiều, VCB, BID giao dịch ngay dưới tham chiếu, đây cũng là 2 cổ phiếu kéo chỉ số đi xuống khiến Vn-Index chưa thể vượt mốc 1.190 điểm. VN-Index tạm đóng cửa phiên sáng ở mức 1.188 điểm, tăng 2,78 điểm, tương đương 0,21%.

Sang phiên chiều, thị trường dần đuối sức khi lực bán dâng cao ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khiến VN-Index đuối sức và có thời điểm chớm đỏ trước khi bật trở lại, nhưng sức bật lại chỉ ở một số bluechip với biên độ tăng khiêm tốn, nên cũng chỉ đủ giúp chỉ số tăng nhẹ và giằng co trong phần còn lại của phiên.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.188,48, tăng nhẹ 2,42 điểm tương đương 0,2%. Thanh khoản có sự sụt giảm khá mạnh trong ngày hôm nay khi chỉ có hơn 600 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Thị trường có 399 mã tăng, 277 mã giảm.
Thị trường có 399 mã tăng, 277 mã giảm.

VN30 có 20/30 mã tăng điểm. Nhóm ngân hàng chứng kiến sự phân hóa với VCB tác động lớn nhất sàn khi lấy đi 0,7 điểm của chỉ số chung, SHB, LPB, PCB cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Ngược chiều, HDB (+1,55%), CTG (+1,47%) hay VIB (+0,94%) đóng góp tổng cộng 1,4 điểm tích cực cho VN-Index.Ở chiều hướng ngược lại, VCB giảm 0,56%, SHB 1,70% là hai cổ phiếu có mức giảm đáng chú ý. 

Bên cạnh nhóm cổ phiếu ngân hàng thì chứng khoán cũng là một nhóm có mức tăng đáng chú ý. Một vài cái tên nổi bật trong nhóm có thể kể đến như VCI (+2.05%), HCM (+1.30%) hay VIX (+1.12%).

2 cổ phiếu NVL và VIX dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh với 32,1 triệu và 25,5 triệu đơn vị, tăng nhẹ lên lần lượt 17.250 đồng và 18.000 đồng.

Sắc đỏ trong ngày hôm nay chủ yếu đến từ một vài cổ phiếu riêng lẻ, điển hình như HNG giảm 4,18% hay TCH giảm 1,46%.

Khối ngoại hôm nay quay trở lại bán ròng mạnh với giá trị vào khoảng hơn 410 tỷ đồng. Trong đó, VHM là cổ phiếu bị bán ra đáng kể nhất toàn thị trường với 89,7 tỷ. Bên cạnh đó còn có một số cái tên đáng chú ý khác như GEX bị bán 67,67 tỷ, HPG bị bán 66,49 tỷ hay VCB bị bán 60,49 tỷ. Ở chiều hướng ngược lại, VIX được mua 45,56 tỷ và NLG được mua 42,67 tỷ.

Bị cảnh báo về khả năng bị hủy niêm yết, cổ phiếu HNG vẫn được khối ngoại gom hàng

Sau khi bị cảnh báo có khả năng hủy niêm yết, HNG bị giảm sàn trong phiên hôm qua và tiếp tục thêm một lần nới đà giảm trong phiên hôm nay, mất 4,2% xuống 3.900 đồng, khớp 16,3 triệu đơn vị, tuy nhiên trong đó, có hơn 9,7 triệu cổ phiếu được mua chủ động và chỉ có hơn 6,5 triệu cổ phiếu bị bán chủ động. Đặc biệt, trong đó, khối ngoại mua 1,5 triệu cổ phiếu, bán 1 triệu cổ phiếu. Dòng tiền bắt đáy đã cứu HNG thoát khỏi phiên giảm sàn thứ 2 liên tiếp. 

Trước đó, cổ phiếu này từng giảm sàn hôm 31/1 sau khi công bố kết quả kinh doanh bết bát: lỗ lũy kế sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 là 8.053 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2023, HNG ghi nhận doanh thu 606 tỷ, giảm 18%. Khấu trừ chi phí, HNG lỗ ròng hơn 1.050 tỷ đồng. Trước  đó trong năm 2021 và 2022, công ty lỗ lần lượt là hơn 1 nghìn tỷ và hơn 3 nghìn tỷ.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Do đó, HoSE lưu ý về việc cổ phiếu HNG của Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty có kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ.

Tuy nhiên, ban lãnh đạo HNG cho biết công ty “tin tưởng vào sự phát triển bền vững và tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo, từ đó từng bước giảm khoản lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính trong thời gian ngắn nhất”.