Dòng tiền đổ vào bất động sản và chứng khoán
Sau phiên giao dịch ảm đạm trong buổi sáng, sang phiên chiều 8/11, từ trạng thái giảm hơn 4 điểm ngay sát 13 giờ 30, thị trường chứng khoán bất ngờ xuất hiện lực cầu nhập cuộc, VN-Index được kéo tăng hơn 33 điểm và vượt mốc 1.113 điểm. Cổ phiếu đồng loạt tăng kịch trần. Thanh khoản tăng cao nhất trong 5 phiên trở lại đây. Toàn thị trường có 84 mã tăng trần, 601 mã tăng và chỉ có 142 mã giảm.
Toàn bộ mức tăng đều đến từ nhóm VN30 với sắc tím của SSI và GVR. Các mã VJC, FPT, SHB, HPG, HDB, TPB đều tăng trên 4%. Bộ 3 cổ phiếu Vingroup cũng tăng trên 2% biên độ. SAB là mã duy nhất đứng tham chiếu. Chỉ số sàn HNX tăng 4% trong phiên này, đóng cửa tại mức 227 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng thêm 16.500 tỷ đồng trong phiên chiều lên mức 21.600 tỷ. Lực cầu lớn hiện diện ở nhóm chứng khoán, bất động sản giúp hàng chục mã được kéo trần.
Nhóm chứng khoán đồng loạt tăng kịch trần có: VIX, SSI, VND, VCI, HCM, SHS, AGR... Các mã còn lại cũng tăng mạnh từ 2-5%.
Trong khi đó, ở nhóm bất động sản, các mã tăng kịch biên độ có thể kể đến: NVL, KBC, PDR, DIG, VCG, DXG, TCH, BCG, SZC, DXS, CRE, IJC, LCG, FCN, CII, HDC, QCG, SCR, KHG... Nhiều mã khác cũng tăng rất mạnh như KDH có thêm 5,97% giá trị, HDG tăng 6,13%, NLG tăng 6,12%, ITA tăng 5,31%.
Nhóm sản xuất cũng ghi nhận nhiều mã tăng kịch trần như GVR, HSG, NKG, DBC, ANV, IDI, GIL. Bên cạnh đó, HPG tăng 4,46%, MSN tăng 2,9%, DGC tăng 5,68%, DCM tăng 6,08%, BMP tăng 3,3%, VHC tăng 6,04%, DPM tăng 4,78%. Sắc đỏ rất ít, hiện lên ở IMP, TRA, TDP.
Cổ phiếu ngân hàng tăng tốt, đa số trên 3%, như trường hợp của VPB, TCB, MBB, ACB, STB, VIB, OCB; thậm chí TPB, SHB, HDB còn tăng trên 4%.
Hôm nay, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng 270 tỷ đồng trên HOSE, 14,7 tỷ đồng trên sàn UPCoM trong khi gom thêm 60 tỷ đồng trên sàn HNX. SHS cùng với HSG, NVL, HPG, VIX, HDB là các cổ phiếu được mua ròng từ 1 - 2 triệu cổ phiếu. Ngược lại, MWG của Thế giới Di động bị bán thêm 6,2 triệu cổ phiếu.
Thị trường liệu đã tạo đáy thành công?
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) Trần Thăng Long cho rằng, thông thường sau một chu kỳ tăng điểm kéo dài thì thị trường sẽ có những đợt giảm điểm tương đối lớn. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng điểm trong suốt 9 tháng đầu năm, tăng xấp xỉ 25%, tiếp sau đó thì chúng ta thấy, chúng ta có hơn một tháng giảm điểm liên tục.
VN-Index đang ở một vùng điểm tương đương với tháng 11/2022, khi thị trường đã trải qua một đợt giảm điểm lớn. So sánh giữa hai thời điểm thì những yếu tố vĩ mô ở thời điểm hiện tại tương đối tốt hơn so với cuối năm 2022. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mặc dù còn những khó khăn nhưng cũng đã có những dấu hiệu cải thiện nhất định. Số liệu từ BSC, đến thời điểm hiện tại có khoảng 1.100 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III và tổng doanh thu khoảng 1,2 triệu tỉ đồng và tổng lợi nhuận thì khoảng 98.000 tỉ đồng, so với cùng thời gian này vào năm 2022 thì lợi nhuận đã tăng trưởng nhẹ khoảng 4%.
Theo chuyên gia của BSC, tín hiệu tạo đáy là có, nhưng nhà đầu tư không nên cố gắng để đoán đáy mà nên có những kế hoạch chuẩn bị rõ ràng cho mọi kịch bản, bất kể trong trường hợp thị trường có thể suy giảm tiếp hoặc phục hồi trở lại.