Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán bị bán tháo, cơ hội cho ai biết kiên nhẫn

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Phiên giao dịch hôm nay (17/1), thị trường chứng khoán có gần 130 mã bị bán với giá sàn, VN-Index đã giảm trên 43 điểm, khiến không ít nhà đầu tư hoang mang.

Nguyên nhân cổ phiếu bị bán tháo?

Chốt phiên giao dịch chiều nay, trên sàn HOSE có 446 mã giảm, trong đó có 128 mã giảm sàn, trong khi chỉ có 49 mã tăng. Chỉ số VN-Index giảm 43,18 điểm, tương đương mất 2,89% xuống 1.452,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 987,1 triệu đơn vị, giá trị 31.244,55 tỷ đồng, tăng 25,81% về khối lượng và tăng 36,93% về giá trị so với phiên hôm cuối tuần trước (14/1).

Nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) vẫn là đang chịu áp lực sau vụ bỏ cọc của Tân Hoàng Mình tại Thủ Thiêm và Chủ tịch FLC bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu. Nếu như phiên sáng chỉ có nhóm cổ phiếu của họ “FLC” giảm sàn thì cuối phiên sáng và phiên chiều hàng loạt mã đã quay đầu đi xuống giá sàn ở hầu hết các mã BĐS như CII, FLC, ROS, AMD, LDG, DXG, ABS, NBB, BCE, SCR, DIG, SAM, NHA, TDC, …

Nhiều cổ phiếu bị bán ở mức giá sàn, nhưng vẫn trắng bên mua.
Nhiều cổ phiếu bị bán ở mức giá sàn, nhưng vẫn trắng bên mua.

Dù bán ở mức giá sàn nhưng nhiều nhà đầu tư cũng không thể bán do không có lực mua, khối lượng dư bán sàn nhiều mã lên hàng chục triệu đơn vị, như ROS có trên 81 triệu đơn vị dư bán sàn; FLC có trên 52 triệu đơn vị dư bán sàn.

Việc giảm điểm mạnh trong thời gian qua trên thị trường chủ yếu tập trung vào nhóm Midcap và Smallcap. Chỉ tính từ ngày 10-17/1, chỉ số Midcap giảm 12% về 2.039,28 điểm, chỉ số Smallcap giảm 12,6% về 1.995 điểm, trong khi chỉ số VN30 chỉ giảm 3,5% về 1.478,61 điểm. Sau 6 phiên giảm điểm, các chỉ số midcap và smallcap đã vào vùng quá bán.

Theo thống kê, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của 5 năm gần nhất từ 2016-2020 thị trường chứng khoán đều giảm điểm và giảm thanh khoản. Nhưng sang đầu năm mới, thị trường lại tăng điểm trở lại. Riêng chỉ có năm 2020, sau Tết Nguyên đán chỉ số VN-Index vẫn giảm điểm do làn sóng dịch bệnh đầu năm vẫn căng thẳng, khiến giới đầu tư lo ngại bán mạnh cổ phiếu.

Theo phân tích của một số chuyên gia chứng khoán, thị trường chứng khoán giảm những ngày qua đã đến điểm ngưỡng quá bán. Ngoài 2 sự kiện kể trên, còn do các công ty chứng khoán cho vay margin yêu cầu nhà đầu tư bán để thu hồi nợ, cộng với sự rũ bỏ của thị trường trước Tết, khiến cho các chỉ số càng lùi sâu.

Cơ hội cho nhà đầu tư kiên nhẫn

Nhận định của nhiều chuyên gia chứng khoán tại thời điểm này cho rằng: “Trong nguy sẽ có cơ”, sự giảm mạnh của thị trường là cơ hội cho nhà đầu tư biết kiên nhẫn chờ đợi thời điểm thị trường bùng nổ.Thực tế, nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng của dịch bệnh quý 3/2021, nhưng quý 4 lại cho thấy sự phục hồi tích cực.

Theo chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán VNDIRECT: GDP thực tế của Việt Nam tăng 2,6% trong năm 2021, nhỉnh hơn so với dự báo. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định trong năm 2021 với lạm phát được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối tăng cao và tỷ giá hối đoái ổn định.

Cụ thể, GDP Việt Nam tăng 5,2% trong quý 4/2021, so với cùng kỳ. Trong 3 trụ cột chính của nền kinh tế, ngành dịch vụ phục hồi vượt kỳ vọng của tăng trưởng 5,4% trong quý 4/2021, từ mức giảm 8,6% trong quý 3/2021. Điều này đánh dấu mức tăng trưởng hàng quý cao nhất của lĩnh vực dịch vụ kể từ quý 1/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,6% trong quý 4/2021 so với cùng kỳ trong, cũng phục hồi từ mức giảm 5,5% trong quý 3/2021 và tương đương với mức tăng trưởng trong quý 4/2020.

Nhìn vào những con số tăng trưởng kể trên, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực, trong khi đó, thị trường chứng khoán đang giảm điểm, đi ngược quy luật của thị trường.

VNDIRECT dự báo, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, so với năm 2021, thúc đẩy bởi sự phục hồi của ngành hàng không, du lịch, dòng vốn FDI gia tăng. Lượng kiều hối về Việt Nam ước đạt 12,5 tỷ USD trong năm 2021, tăng 10% so với năm 2020. Quốc hội vừa thông qua gói kích thích kinh tế, với trị giá 342.050 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,2% GDP năm 2021, bao gồm các khoản chi tiêu của Chính phủ để nâng cấp hệ thống y tế, phúc lợi xã hội, hỗ trợ việc làm, miễn giảm thuế phí đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Trong khi nền kinh tế vẫn đang cho những tín hiệu tích cực, các cổ phiếu trải qua chuỗi giảm điểm mạnh, điều này sẽ mở ra cơ hội hồi phục và tăng trưởng trở lại cho thị trường.

Theo chuyên gia, nhà đầu tư có thể yên tâm nắm giữ và duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục qua Tết Nguyên đán do xác suất thị trường tiếp tục tăng điểm sau Tết với khoảng 80% và sự tăng điểm của thị trường thường nhận được sự hỗ trợ từ khối lượng và giá trị giao dịch bùng nổ. Điều quan trọng mà chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư rằng không nên bán tháo cổ phiếu bằng bất cứ giá nào, bởi khi thị trường tăng điểm sẽ mất cơ hội.