Các thị trường chứng khoán của châu Á ghi nhận xu hướng đi lên trong bối cảnh đồng USD mất giá do số liệu lạm phát của Mỹ thấp làm giảm triển vọng của đợt điều chỉnh lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay.
Các thị trường chứng khoán châu Á nhận được hỗ trợ từ diễn biến tích cực từ thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần qua. |
Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 7 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, so với dự báo là 1,8% và mức tăng 1,6% trong tháng 6. Lạm phát cơ bản chỉ tăng 1,7% đúng như dự báo.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi một loạt dữ liệu của Trung Quốc công bố bản báo cáo về sản xuất ngành công nghiệp và đầu tư tài sản cố định.
Chỉ số MSCI của các cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương bên ngoài Nhật Bản tăng 0,4%. Chỉ số này đã giảm trong ba phiên giao dịch liên tiếp trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tại Australia , chỉ số S&P 200 tăng 0,32% với cổ phiếu các ngành công nghệ thông tin, công nghiệp và tiêu dùng tăng điểm.
Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng 0,7%.
Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 1% dù GDP quý II của Nhật Bản bất ngờ tăng. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,05% khi thị trường mở cửa trở lại sau ngày lễ vào tuần trước. Các thị trường có vẻ đang bỏ qua thông tin về sự tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản với tốc độ hàng năm 4% trong quý II so với cùng kỳ năm trước. Dự báo của Reuters trước đó là 2,5%.
Đồng yen Nhật giảm nhẹ so với USD sau khi báo cáo kinh tế được công bố, với tỷ giá USD/JPY là 109,160 yen, sau khi trượt xuống mức 1 USD chỉ đổi được 108,720 trong ngày 11/8.
Các thị trường chứng khoán châu Á nhận được hỗ trợ từ diễn biến tích cực từ thị trường Phố Wall trong phiên giao dịch cuối tuần qua.
Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày 11/8 với các chỉ số tăng điểm, phục hồi trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó, nhờ cổ phiếu ngành công nghệ, dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe tăng.
Mặc dù vậy, thị trường Phố Wall vẫn ghi nhận một tuần giảm điểm vì bất ổn địa chính trị kéo dài, đặt biệt chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều ghi nhận tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 3. Có thể nói chứng khoán Mỹ đang trải qua tuần tồi tệ nhất kể từ sau đợt giảm khi ông Donald Trump thắng cử tổng thống hồi tháng 11/2016.
Hãng Reuters cho biết, cuối tuần vừa rồi, Triều Tiên công bố có hơn 3 triệu người dân tình nguyện tham gia quân đội. Một quan chức của Mỹ ngày 13/8 cho rằng sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Triều Tiên thử một vụ tên lửa nữa.
Thị trường toàn cầu trong ngắn hạn vẫn chịu tác động từ diễn biến căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Triều Tiên. Các nhà đầu tư cho thấy tâm lý lo ngại về tình hình xung đột hiện đang tiếp diễn tại khu vực Bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện cuộc tập trận chung hàng năm vào ngày 21/8 tới.
Masafumi Yamamoto, chuyên gia chiến lược ngoại hối của Chứng khoán Mizuho Tokyo phân tích: "Do lo ngại về sự leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên, lợi tức trái phiếu và cổ phiếu của Mỹ dự kiến sẽ giảm và đồng yen Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng giá trong tuần này".