Chứng khoán, giá vàng: Hai chiều trái ngược

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới sau khi giá vàng tại sàn giao dịch New York trong phiên giao dịch ngày 2/11 đã tăng thêm 13,6 USD và vượt ngưỡng lên 1.050 USD/ounce.

KTĐT - Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới sau khi giá vàng tại sàn giao dịch New York trong phiên giao dịch ngày 2/11 đã tăng thêm 13,6 USD và vượt ngưỡng lên 1.050 USD/ounce.

Giá vàng lập kỷ lục mới: 24,1 triệu đồng/lượng

Vàng miếng trong nước ngày 3/11, sau khi tăng thêm 200.000 đ/lượng đã lập kỷ lục mới 24,1 triệu đồng/lượng. Ngay vào đầu giờ sáng, Công ty cổ phần SJC Hà Nội đã tăng thêm 160.000 đ/lượng, mua vào với giá 23,98 triệu đồng/lượng, ban ra 24,08 triệu đồng/lượng. Vàng miếng của Công ty Bảo Tín Minh Châu tăng 200.000 đồng/lượng lên mức 2,4 triệu đồng-2,41 triệu đồng/chỉ (mua vào-bán ra). Tại các sàn giao dịch vàng ACB và VGB, giá cũng tăng  từ 480- 490 nghìn đồng/ lượng so với giá khớp lệnh  trong phiên giao dịch ngày 2/11 và lên sát mốc 23 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới sau khi giá vàng tại sàn giao dịch New York trong phiên giao dịch ngày 2/11 đã tăng thêm 13,6 USD và vượt ngưỡng lên 1.050 USD/ounce. Tại thị trường châu Á, trong phiên giao dịch sáng 3/11, giá vàng cũng tăng thêm 8,3 USD lên 1.062,3 USD/ounce. Vàng tăng mạnh trở lại chủ yếu là do thị trường được hỗ trợ bởi thông tin kinh tế Mỹ, Trung Quốc có nhiều tín hiệu tích cực như sản xuất công nghiệp gia tăng, chi tiêu cho xây dựng và các hợp đồng mua bán nhà mới cải thiện. Điều này đã khiến cho vàng, dầu thô và chứng khoán đã nhanh chóng hút dòng tiền của nhà đầu tư thay vì tích trữ USD hiện đang suy yếu so với các loại ngoại tệ chủ chốt khác (hiện 1,48 USD mới đổi được 1 EURO). Việc tỷ giá đồng USD suy yếu khiến giá dầu tăng mạnh gần chạm ngưỡng 79 USD/thùng cũng là nguyên nhân khiến giá vàng trên thị trường tăng trở lại. 

VN-Index xuống dưới 540 điểm

Trong phiên giao dịch ngày 3/11, áp lực bán ra tăng mạnh khi các thông tin trong nước hỗ trợ cho thị trường hiện đã hết, cộng với việc thị trường giảm mạnh ở phiên trước nên nhiều nhà đầu tư bi quan. Chính vì thế, trong phiên này, nhà đầu tư có dấu hiệu bán tháo, bất kể lỗ hay lãi, lệnh bán được họ tới tấp tung ra. Điều này đã khiến chỉ số VN-Index giảm  thêm 22,06 điểm  và xuống dưới 540 điểm. Trong 184 mã được niêm yết, chỉ có 11 mã là COM, DIC, IFS, IMP, KDC, KMR, L10, VID, SGT, SZL và TYA tăng giá, 173 còn lại đều giảm giá, và có đến 137 mã giảm sàn. Sức cầu và cung trong phiên này thể hiện rõ sự chênh lệch khi bên dư mua trống trơn trong khi phía dư bán các mã vẫn còn dày đặc. Mặc dù có thêm một phiên giảm điểm nhưng tính thanh khoản đã có phần nào tăng trở lại khi có 64 triệu đơn vị CP tương ứng giá trị  3.200 tỉ đồng được chuyển nhượng, tăng 3% về khối lượng nhưng tăng 19% về giá trị so với phiên trước đó.

Tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, HNX-Index phiên này cũng tiếp tục để mất thêm 4,97 điểm, xuống còn 183,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt trên 33,6 triệu đơn vị CP, trị giá 1.320 tỉ đồng được giao dịch. Toàn sàn phiên này có 22 mã tăng giá, 202 mã giảm giá, 10 mã đứng giá, trong đó 3 mã không có giao dịch.

Theo ông Fiachra Mac Cana- Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (HSC): Việc thị trường tiếp tục giảm điểm là do nhiều nhà đầu tư vay cầm cố chứng khoán nên đã phải bán ra để trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, thông tin về giới hạn tăng trưởng tín dụng 30% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đến thời điểm này đã được nhiều ngân hàng thương mại sử dụng gần hết nên các đơn vị cung cấp đòn bẩy tài chính đang có xu hướng hạn chế tối đa việc cho phép nhà đầu tư mua thiếu tiền. Chính vì vậy những phiên điều chỉnh giảm là không thể tránh khỏi.