Chứng khoán giảm mạnh, chuyên gia khuyên nhà đầu tư bình tĩnh

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điều gì đang xảy ra với thị trường chứng khoán? Đây là câu hỏi mà phần lớn nhà đầu tư đang đặt ra lúc này khi VN-Index giảm điểm một cách khó tin.

Tại tuần giao dịch 3 - 7/10, VN-Index rớt mạnh ngay phiên giao dịch đầu tuần khi mất gần 46 điểm. Chỉ số tiếp tục giảm điểm trước khi hồi phục vào phiên thứ Tư (5/10/2022). Tuy nhiên, mức độ hồi phục này không đủ, ở hai phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index giảm lần lượt 29.74 điểm và 38.61 điểm. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 96.2 điểm, xuống còn 1,035.91 điểm.

Chứng khoán giảm mạnh, chuyên gia khuyên nhà đầu tư bình tĩnh - Ảnh 1

Về mức độ ảnh hưởng, các Large Cap như VCB, MSN, BID, HPG hay TCB là những cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất kéo VN-Index giảm mạnh trong tuần qua. Ở chiều ngược lại, bộ đôi nhà Vingroup là VIC và VHM là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp gần 9 điểm tăng cho chỉ số này.

Về nhóm ngành, trong tuần thị trường giảm điểm mạnh, toàn bộ các nhóm ngành cùng hiện sắc đỏ tiêu cực. Trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán, ngân hàng hay bảo hiểm cùng giảm mạnh. Cụ thể, các cổ phiếu như VND, HCM, VCI, TCB, LPB, MIG hay BMI đều có mức giảm rất mạnh.

Bất động sản cũng có tuần giao dịch ảm đạm khi sắc đỏ hiện diện ở nhiều cổ phiếu như DXG, CEO, IJC. Tuy nhiên, một số mã trong nhóm vẫn giữ được sắc xanh trong bối cảnh tiêu cực của thị trường. Cụ thể, VIC tiến tốt 9.45%, VHM tăng 6.11%, HDC tăng 5.07%.

Có thể thấy, trong phiên giao dịch cuối tuần 7/10, VN-Index là chỉ số giảm mạnh nhất trên thế giới, kế đó là chỉ số của Nga với mức giảm 2.43%. Nếu so với đầu năm, VN-Index hiện đang giảm gần 31%, cũng nằm trong top giảm mạnh nhất thế giới.

Đà giảm ngày 7/10 nối dài chuỗi lao dốc trước đó của chứng khoán Việt, giữa lúc Ngân hàng trung ương thế giới đẩy mạnh thắt chặt tiền tệ và dòng tiền rút khỏi thị trường chứng khoán.

Tâm lý của nhà đầu tư Việt cũng bị tác động trong bối cảnh đó. Với cái nhìn bi quan về thị trường, nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam dễ bị tác động bởi những đợt thăng giáng của chứng khoán thế giới, nỗi lo suy thoái toàn cầu và gần đây nhất là những tin đồn xoay quanh Credit Suisse.

Trên khắp các diễn đàn, thậm chí, nhiều nhà đầu tư còn khẳng định sẽ quyết tâm rời bỏ thị trường chứng khoán mà thay vào đó chọn các kênh đầu tư an toàn hơn như gửi ngân hàng, vàng, đô la…

Tuy nhiên, trong bối cảnh này, nhiều nhà quản lý quỹ đang cược vào khả năng hồi phục của thị trường vì định giá đã xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã giảm hơn 27% trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại về đà tăng của lãi suất. Chỉ số chứng khoán Việt hiện có P/E ở mức 9 lần (tính trên EPS dự phóng trong 12 tháng), mức thấp nhất kể từ năm 2012.

Đối lập với sự chán nản của những nhà đầu tư đang thua lỗ, nhiều người đang nắm giữ tiền mặt lại hồ hởi chờ đợi mua vào những cổ phiếu tiềm năng khi đã rơi về vùng giá hấp dẫn chưa từng có.

Giới đầu tư cho rằng câu chuyện dài hạn của Việt Nam vẫn chưa bị tác động nhờ vị thế kinh tế vĩ mô vững mạnh hơn so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, Việt Nam cũng hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng. GDP Việt Nam được dự báo tăng trưởng 7% trong năm nay. Đây đều là những tín hiệu tốt để có thể tiếp tục đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán.