Chứng khoán hôm nay 31/12: Chứng khoán Việt Nam một năm giảm mạnh

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 cao nhất trong vòng 12 năm qua, nhưng thị trường chứng khoán lại đi ngược, một năm giảm mạnh cả về điểm số, giá trị và khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu khởi sắc trong dài hạn.

Giảm mạnh dù kinh tế vĩ mô tích cực?

Tổng cục Thống kê mới công bố, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02% so với năm trước, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 11 năm qua kể từ năm 2011.

Trong đó, quý 4 tăng trưởng thấp nhất kể từ 2011-2019, nhưng khu vực nông, lâm, thủy sản vẫn tăng 3,36%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,78%; dịch vụ tăng 9,99%, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.

Mặc dù kinh tế vĩ mô tích cực, nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) lại lao dốc. Kết phiên giao dịch ngày hôm nay 30/12, cũng là phiên cuối cùng của năm 2022, chỉ số VN-Index đã giảm 2,2 điểm xuống 1.007,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 407,135 triệu đơn vị. Giá trị giao dịch đạt trên 7.423 tỷ đồng trên sàn HOSE.

Thanh khoản trên sàn HOSE sụt giảm mạnh chỉ quanh 450 triệu cổ phiếu/phiên.. Ảnh nguồn SSI.
Thanh khoản trên sàn HOSE sụt giảm mạnh chỉ quanh 450 triệu cổ phiếu/phiên.. Ảnh nguồn SSI.

Nhìn lại TTCK Việt Nam từ đầu năm nay đến nay giảm mạnh cả về chỉ số, khối lượng và giá trị giao dịch. Ngày đầu tiên của năm 2022, kết phiên giao dịch vào 4/1/2022, chỉ số chứng khoán VN-Index đã lập mốc lịch sử mới, cao nhất từ trước tính đến thời điểm đó.

Chốt phiên ngày đầu tiên của năm 2022, sàn HOSE có 332 mã tăng và 137 mã giảm, VN-Index tăng 27,3 điểm lên 1.525,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 891,2 triệu đơn vị, giá trị 28.616,5 tỷ đồng.

Nếu so sánh ngày cuối cùng của năm với ngày khởi đầu năm 2022, chỉ số chứng khoán đã để mất 33,98%. Khối lượng giao dịch cũng sụt giảm mạnh 45,68% so với phiên đầu năm. Giá trị giao dịch của phiên cuối năm cũng giảm mạnh hơn 74% so với phiên đầu năm.

Lý giải vì sao kinh tế vĩ mô của Việt Nam tích cực, nhưng TTCK lại giảm mạnh như vậy, nhiều chuyên gia cho rằng: Nguyên nhân chính dẫn đến trước hết là do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác như châu Âu, Anh, Canada, Úc đã tăng mạnh lãi suất đồng ngoại tệ, trong đó có USD đã khiến giới đầu tư lo ngại các nền kinh tế trên toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm 2023.

Mặt khác, lãi suất tăng đẩy giá trị đồng USD lên cao khiến các tài sản khác chịu áp lực trong đó có cổ phiếu. Xung đột Nga – Ukraine, hay chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng là những yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu của năm 2022 và 2023 tới đây.

Tại thị trường trong nước, mặc dù một năm phục hồi kinh tế tích cực sau đại dịch Covid-19, nhưng TTCK lại chiu áp lực bởi nhiều thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.Đó là thị trường chứng kiến việc "thanh lọc", làm trong sạch thị trường của cơ quan chức năng, với hàng loạt vụ việc bán cổ phiếu “chui” làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.

Cụ thể, như vụ nguyên Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng sai phạm trong phát hành trái phiếu ở 3 công ty con, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan sai phạm trong phát hành trái phiếu An Đông...

Cả yếu tố trong và ngoài nước đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong nước, trong đó chủ yếu là nhà đầu tư (NĐT) cá nhân. Sự thận trọng trong giao dịch đã chứng kiến sự sụt giảm của thị trường, có khi chỉ số VN-Index đã giảm mạnh về dưới vùng 900 điểm.

Điểm sáng khối ngoại mua ròng

Mặc cho thị trường giảm mạnh về cả điểm số, giá trị và khối lượng giao dịch, nhưng năm 2022 chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự mua ròng của NĐT nước ngoài.

Bất chấp hàng loạt bất lợi, thị trường chứng khoán Việt vẫn hút dòng vốn ngoại. Năm 2022, NĐT nước ngoài đã mua ròng hơn 29.800 tỷ đồng, trong khi đó, năm 2021 khối ngoại đã bán ròng 60.600 tỷ đồng.

Chứng khoán hôm nay 31/12: Chứng khoán Việt Nam một năm giảm mạnh - Ảnh 1Ảnh nguồn SSI.

Chỉ riêng trong quý IV/2022, khi TTCK Việt Nam giảm mạnh và định giá thị trường giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua thì đã “hút” ròng vốn ngoại lên cao kỷ lục, đạt 29.160 tỷ đồng.

Nếu tính từ khi chỉ số VN-Index chạm đáy ngày 16/11, ở mức 873 điểm tăng lên trên 1.015,66 điểm hôm 28/12 thì các nguồn vốn tư Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đổ dồn vào TTCK Việt Nam.

Diễn biến trong tháng “củ mật” cho tín hiệu tích cực

Thị trường “bò tót” xuất hiện khi chỉ số có mức tăng hơn 20% tính từ đáy được thiết lập vào ngày 16/11. Mặc dù vậy, theo chuyên gia chứng khoán tại SSI Research và VNDIRECT Research, trong quá trình thị trường tăng điểm, chỉ số VN-Index vẫn có những đợt điều chỉnh, đây là những quãng nghỉ để thị trường tích lũy đi lên.

Tính từ mức đáy ngày 16/11 chỉ số VN-Index đạt được 873 điểm, đến phiên cuối năm 2022 chỉ số này đã tăng hơn 13,3%.Theo VNDIRECT Research: Một trong những lý do chính dẫn đến những mốc sụt giảm của thị trường hiện tại đó là vấn đề thanh khoản.

Có thể nhận thấy, trong khoảng 1 tuần gần đây, thanh khoản thị trường chỉ ở mức quanh 450 triệu cổ phiếu một phiên, thấp hơn 50% so với mốc trung bình 20 phiên.

Thị trường đang trong giao đoạn đi ngang để tích lũy chờ thời điểm đi lên. Ảnh nguồn SSI.
Thị trường đang trong giao đoạn đi ngang để tích lũy chờ thời điểm đi lên. Ảnh nguồn SSI.

Chuyên gia cũng đặt ra câu hỏi: Vậy điều gì khiến khối lượng giao dịch toàn thị trường sụt giảm về mức thấp như vậy trong giai đoạn chuyển giao sang năm mới này?Trước hết, tháng 12 Âm lịch (tức tháng Chạp) hàng năm, thường được gọi là tháng “củ mật”.

Theo quan niệm dân gian có câu câu “tháng củ mật, cẩn thận tài sản”. Điều này, muốn nói nhà đầu tư có sự cẩn trọng hơn khi giao dịch chứng khoán. Tháng Chạp cũng là lúc thị trường đang có "vùng trống" thông tin, khiến tâm lý NĐT thận trọng, chủ yếu là quan sát.

Về dòng tiền, thị trường chứng kiến nhiều yếu tố tác động đến dòng tiền ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, sau quãng thời gian mua ròng liên tục, dòng vốn ngoại có xu hướng cân bằng trở lại và quy mô mua ròng thu hẹp, xu hướng này là hoàn toàn hợp lý để cân bằng lại lượng cung – cầu của khối này.

Thời điểm hiện tại đang rơi vào dịp lễ Giáng sinh và năm mới tới gần, nhu cầu tiền mặt có xu hướng tăng lên, do đó quy mô giao dịch của cả NĐT nội và ngoại cùng có xu hướng giảm.

Đây cũng là thời điểm báo cáo lợi nhuận quý IV của các doanh nghiệp bắt đầu đưa ra. Giới đầu tư thận trọng bởi lẽ họ đã dự phòng trước những con số không mấy tốt đẹp trong mùa báo cáo năm nay, do ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Do đó, thị trường trở nên ảm đạm là chuyện thường tình.Theo thống kê trong 10 năm qua, lợi nhuận trung bình của thị trường trong tháng Chạp sẽ không quá nổi bật, chỉ tăng 1,22%.

Tuy nhiên, giai đoạn quý 1 của năm luôn là thời điểm mang lại tỷ suất sinh lời đột phá tăng khoản 3,76% so với trước đó.

Chuyên gia chứng khoán tại VNDIRECT Research nhận định những yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm mới 2023, đó là: Dòng tiền nước ngoài sẽ quay trở lại sau kỳ nghỉ Tết dương lịch. Với kịch bản lợi suất trái phiếu Mỹ sụt giảm và chỉ số Dollar-Index cũng đi xuống sẽ hỗ trợ khối ngoại tiếp tục mua ròng.

Thanh khoản sẽ không còn là vấn đề quá lớn khi room tín dụng mới được áp dụng, cùng những động thái của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh khoản thị trường.

Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid sau giai đoạn dài đóng cửa, đây là tin rất vui với kinh tế Việt Nam khi Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất với nước ta. Dự báo, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam hơn 2% vào năm tới.

Như vậy, TTCK Việt Nam vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, nhịp chỉnh và mức thanh khoản thấp vừa qua hoàn toàn là bình thường trong giai đoạn thị trường cuối năm. Và cơ hội trong năm sau vẫn mở ra rất nhiều để chào đón NĐT tham gia vào thị trường.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần