Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán hôm nay 4/5: VN-Index mất hơn 18 điểm ngay phiên đầu tháng mới

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau nhiều phiên giảm điểm cùng thanh khoản đi xuống, thị trường chứng khoán khởi động phiên đầu tháng 5 tiếp tục đi xuống, mặc dù khá nhiều yếu tố hỗ trợ.

Phiên sáng nay, thị trường chứng kiến sự sụt giảm mạnh của nhóm FLC và một số cổ phiếu nhỏ và vừa khác giảm mạnh. Cụ thể, nhóm FLC cả 3 mã là FLC, AMD, HAI đều có lúc giảm giá sàn và dư bán sàn. Trong khi đó, khối lượng thanh khoản thấp. Trong đó, FLC đứng giá sàn và dư bán sàn hơn 3,9 triệu đơn vị; ROS thoát mức sàn, giảm 4,9% khớp cao nhất sàn 18,3 triệu đơn vị.

Một số mã giảm mạnh trong nhóm nhỏ và vừa còn có DTT và LBM cùng đứng giá sàn; TGG giảm 4,6%, TSC giảm 4,4%, DIG giảm 4,3%, ITA giảm 3,1%… Nhóm ngân hàng dù nhiều đơn vị công bố báo cáo tài chính tích cực nhưng giá cổ phiếu vẫn sụt giảm mạnh. Cụ thể, TCB, ACB, STB và OCB giảm từ hơn 2% đến trên 3%. Nhóm này chỉ có SHB tăng 3,7% và LPB tăng 2,7%.

Trong rổ VN30 cổ phiếu ngành dầu khí tích cực nhất có POW tăng kịch trần 14.050 đồng/CP, khớp 16,8 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới gần 1,9 triệu đơn vị; GAS tăng 3% lên 109.200 đồng/CP. Ngoài ra còn có PVD nằm ngoài rổ VN30 tăng 2% lên 20.700 đồng.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 145 mã tăng và 279 mã giảm, VN-Index giảm 5,16 điểm, tương đương giảm 0,38%, xuống 1.361,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 306,4 triệu đơn vị, giá trị 8.045 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% về khối lượng nhưng giảm mạnh 23% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh.
Thị trường chứng khoán tiếp tục giảm mạnh.

Phiên giao dịch buổi chiều, chỉ số giằng co trên ngưỡng 1.350 điểm lúc đầu phiên. Tuy nhiên, lúc cuối phiên, sau 14 giờ chỉ số VN-Index lại lùi sâu thêm do các nhóm cổ phiếu đều giảm sâu, chỉ còn lác đác số mã tăng điểm ở nhóm xăng dầu, dịch vụ.

Cụ thể, nhóm VN30 điểm sáng vẫn là cổ phiếu POW tăng trần 6,8% lên tại 14.050 đồng/CP, khớp 20,39 triệu đơn vị; GAS tăng 1,9% lên 108.000 đồng/CP; PLX tăng 1,4%. Ngoài ra, một số cổ phiếu trong nhóm dịch vụ và bán lẻ như MWG, PNJ, VJC, BVH tăng từ 0,3% đến 1,4%. Nhóm giảm sâu thêm, gây áp lực mạnh lên chỉ số cuối phiên chiều là ngân hàng với các mã VIB giảm 6%; các mã TCB, TPB, STB giảm trên 4% và nhóm giảm trên 2% như ACB, CTG, EIB, HDB, OCB, VPB…

Nhóm dịch vụ tài chính cũng lùi sâu với các mã FTS, HCM, VCI, VDS, VND… giảm từ trên 3% đến trên 4%.

Tương tự, nhóm bất động sản – xây dựng nhỏ và vừa phiên chiều khá nhiều mã lùi sâu thêm. Cụ thể, ngoài nhóm FLC đứng giá sàn như FLC, AMD, còn một số mã khác đứng giá sàn như VRC, HSG, DBC, FTM, TGG, PLP, MSH… Mã ROS thoát giá sàn còn giảm 4,9%, khớp 27,1 triệu đơn vị. Ngoài ra giảm sâu còn có DTA, DXG, DXS, HDG, QCG, TID… giảm từ 5%-6,7% sát mức giá sàn.

Trong khi đó, nhóm vận tải biển và logstics hôm nay lại tăng khá tích cực, với VSC tăng trần 6,9%, khớp 3,3 triệu đơn vị; HAH mất giá trần nhưng vẫn tăng 6,27%, khớp 2,1 triệu đơn vị; GMD tăng 3,86%, khớp 2,4 triệu đơn vị; VOS tăng 3,27%, khớp 1,86 triệu đơn vị.

Chốt phiên, sàn HOSE có 140 mã tăng và 301 mã giảm, VN-Index giảm mạnh 18,12 điểm, giảm 1,33% về mức 1.348,68 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 528,2 triệu đơn vị, giá trị 14.454 tỷ đồng, giảm 11,7% về khối lượng và giảm gần 23% về giá trị so với phiên cuối tuần trước.

Trên sàn HNX cũng không nằm ngoài diễn biến kém tích cực. Trong đó, rổ HNX30 giảm sâu nhất là L14 đứng giá sàn tại 182.000 đồng; TVC giảm gần sát giá sàn 8,5%, BVS giảm 6,6%; CEO giảm 7,8%; MBS và SHS cùng giảm trên 3%.

Cổ phiếu tăng tốt trong nhóm HNX30 có BCC tăng trần 9,8%; nhóm xăng dầu với PVS tăng 4,1%; PVC tăng 5%; PLC tăng 6,5%. Ngoài ra còn một số mã khá tăng tốt như IDC, DXP, TIG tăng từ 1,3-2,2%. Nhóm nhỏ và vừa có 2 mã họ FLC là KLF và ART đều đứng giá sàn.

Đóng cửa, sàn HNX có 92 mã tăng và 136 mã giảm, HNX-Index giảm 4,86 điểm, tương đương giảm 1,33% xuống 365,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73 triệu đơn vị, giá trị 1.630,8 tỷ đồng.