Chứng khoán lại lao dốc, cổ phiếu la liệt nằm sàn

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khép lại phiên ngày 15/11, VN-Index xuống mức đáy mới 911,9 điểm. Đáng chú ý, 765 mã nhuốm sắc đỏ, trong đó, 380 cổ phiếu giảm sàn. Vốn hóa thị trường “bốc hơi” 120 tỷ USD từ đầu năm.

Chuỗi ngày ảm đạm của chứng khoán Việt Nam vẫn chưa kết thúc, VN-Index tiếp tục giảm mạnh dò đáy mới. Trên toàn thị trường phiên hôm nay có đến 852 mã giảm điểm, trong đó có 388 mã giảm sàn.

Đà lao dốc của nhiều cổ phiếu trụ là nguyên nhân khiến thị trường giảm sâu trong phiên hôm nay. Hàng loạt cổ phiếu lớn như: POW, PLX, PDR, GVR, BID, FPT, MWG đồng loạt nằm sàn. Chiều ngược lại, VIC, HPG, TPB, MSN lại là những cái tên sáng giá khi tăng điểm và tác động tích cực đến chỉ số.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 29,14 điểm (3,1%) xuống 911 điểm. HNX-Index giảm 7,66 điểm xuống 175,78 điểm và UPCoM-Index giảm 3,51 điểm xuống 63 điểm. Thanh khoản trên HOSE đạt giá trị 9.797 tỷ đồng.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi họ mua ròng mạnh trên cả 3 sàn với tổng giá trị hơn 1.206 tỷ đồng. Đây cũng là phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng trên 1.000 tỷ đồng trên thị trường. Lực mua của nhà đầu tư ngoại tập trung giải ngân vào STB, HPG cùng các cổ phiếu SSI, KBC trong khi bán ròng DXG, FTS.

Trên HoSE, khối ngoại mua ròng hơn 67 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng ghi nhận xấp xỉ 1.176 tỷ đồng.

Tại chiều mua, cổ phiếu ngân hàng STB được mua ròng nhiều nhất với giá trị 146 tỷ đồng, HPG được mua ròng 127 tỷ đồng. Ngoài ra, danh sách mua ròng còn có cổ phiếu SSI và KBC với giá trị lần lượt 99 tỷ đồng và 73 tỷ đồng.

Tính trong 4 phiên vừa qua, chỉ số VN-Index đã giảm 74 điểm (tương đương gần 7.5%), trong khi HNX-Index lao dốc 12.72%. Tính từ đầu năm, chỉ số chính sàn HOSE giảm gần 614 điểm, tương ứng giảm hơn 39%, trong khi đó HNX-Index ghi nhận giảm đến 63%.

Vốn hóa thị trường trên cả 3 sàn cũng “bốc hơi” hơn 17 tỷ USD trong 4 phiên gần nhất và nếu so với đầu năm, con số này là hơn 120 tỷ USD.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã có phản hồi về việc thị trường lao dốc mạnh thời gian qua. Theo đó, biến động trên TTCK Việt Nam trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch Covid-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.

Trong nước, dòng tiền trên TTCK đã chịu sự tác động của các thay đổi trong mặt bằng lãi suất. Sau các bước điều chỉnh lãi suất liên tục của FED trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã 2 lần điều chỉnh tăng lãi suất điều hành nhằm ứng phó với lạm phát và giảm tác động từ bên ngoài.

Ngoài ra, mặt bằng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cũng đã gia tăng, thu hút dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng và giảm sự hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trên TTCK cũng có sự dịch chuyển trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi dịch bệnh được kiểm soát.

Bên cạnh đó, TTCK đã tăng trưởng mạnh trong năm 2021 đến quý I/2022. Do vậy, khi xuất hiện các yếu tố tác động không thuận, nhà đầu tư sẽ có tâm lý chốt lời nhằm bảo vệ thành quả, tạo nên áp lực bán trên thị trường.

Ngoài ra, việc điều tra, khởi tố một số doanh nghiệp bất động sản lớn trong thời gian vừa qua liên quan đến các sai phạm trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng tác động đến tâm lý chung trên TTCK, tạo tâm lý thận trọng trong đầu tư, tác động đến dòng tiền trên thị trường.