Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán lao dốc, các tỷ phú mất hàng chục nghìn tỷ chỉ trong vài ngày

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh khiến tài sản của nhà đầu tư chịu ảnh hưởng nặng nề.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có thêm phiên lao dốc trong sự hoang mang tột độ của nhà đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán 28/9, VN-Index giảm 22,92 điểm (1,96%) xuống 1.143,62 điểm, HNX-Index giảm 6,23 điểm (1,42%) còn 431,5 điểm, UPCoM-Index giảm 1,07 điểm (1,23%) về 85,64 điểm.

Tài sản của các tỷ phú hàng đầu Việt Nam đang bốc hơi khá mạnh.
Tài sản của các tỷ phú hàng đầu Việt Nam đang bốc hơi khá mạnh.

Độ rộng thị trường ghi nhận 681 mã giảm giá so với 252 mã tăng giá và 168 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường có phần cải thiện với khối lượng giao dịch đạt gần 625 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 13.000 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục có 1 phiên điều chỉnh mạnh, về luôn vùng đáy cũ được hình thành từ tháng 7/2022 quanh mốc 1.140. Nhóm VN30-Index cũng mất tới gần 22 điểm. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn như CTD, FRT, HNG, VCG, DBC, FCN, HBC, NT2, VSH...

Các nhóm ngành khỏe giai đoạn vừa qua như xây dựng, đầu tư công (HHV, FCN, VCG, C4G...), lương thực, thực phẩm (TAR, PAN, HAG, DBC...) hay bán lẻ (FRT, PET...) cũng giảm điểm gần như kịch biên độ.

Chỉ dòng chứng khoán là có dấu hiệu kiểm soát được cung, khi đã điều chỉnh trước thị trường và xuất hiện dấu hiệu ngưng lại đà bán tháo.

GAS, VHM và VIC tiếp tục là tội đồ của thị trường khi lấy đi của VN-Index gần 10 điểm. Lực đỡ đến từ bộ đôi ngân hàng VCB và VPB không đủ níu giữ thị trường.

Phiên giảm điểm này đã "thổi bay" thêm 90.920 tỷ đồng vốn hoá của HoSE, giá trị còn lại rơi về khoảng 4.548.000 tỷ đồng và đưa VN-Index trở thành một trong những chỉ số chứng khoán có hiệu suất tệ nhất châu Á ngày 28/9.

Chứng kiến đà lao dốc của thị trường, nhà đầu tư đã không khỏi hoảng loạn khi tài khoản bốc hơi với tốc độ chóng mặt trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nếu so với các tỷ phú hàng đầu Việt Nam thì con số tài sản giảm sút trong những ngày này là rất lớn.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng hiện đang sở hữu hơn 2,1 tỷ cổ phiếu VIC. Chỉ trong 3 ngày từ đầu tuần, mã này đã liên tục nằm trong top những cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường. Với mức giảm 5.100 đồng/cổ phiếu chỉ trong 3 ngày, tài sản của tỷ phú giàu nhất Việt Nam đã giảm gần 11 nghìn tỷ đồng.

Tương tự, năm 2022 cũng là một năm khá sóng gió của “vua thép” Trần Đình Long. Không “thê thảm” như VIC nhưng từ đầu tuần đến giờ HPG đã giảm 900 đồng/cổ phiếu. Với mức giảm này, ông Long cũng đã mất đi hơn 1.364 tỷ đồng chỉ qua 3 ngày. Năm 2021, ông Trần Đình Long sở hữu 54,1 nghìn tỷ đồng nhưng đến ngày 27/9 chỉ còn chưa đến 33 nghìn tỷ đồng.

Cặp đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang cũng mất hàng trăm tỷ đồng qua 3 phiên giảm điểm mạnh của cổ phiếu MSN và TCB.

Trở lại với thị trường, theo nhận định của công ty chứng khoán, các chỉ báo quan trọng ở khung đồ thị ngày và giờ như RSI, MACD đều hướng xuống mạnh tiêu cực. Thêm vào đó chỉ báo ADX và DI- đều đang ở mức rất cao, báo hiệu cho việc thị trường vẫn có thể điều chỉnh mạnh hơn.

Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nếu VN-Index xuyên thủng vùng điểm này, chỉ số chung có thể sẽ lùi xuống sâu hơn vùng 1.085 tương ứng với ngưỡng Fibonacci mở rộng 0,382, tính từ khu vực đỉnh tháng 4. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế việc bắt đáy sớm, tiếp tục kiên nhẫn đứng ngoài quan sát, đợi thị trường cho tín hiệu tạo sự cân bằng để hạn chế rủi ro và có thể giải ngân mua cổ phiếu với mức chiết khấu tốt.

Còn Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường đang bị ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu trụ, do vậy không phản ánh được các cổ phiếu đã giảm về vùng hỗ trợ và có lực cầu bắt đáy. Do vậy, nhà đầu tư có thể quan tâm đến các nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong thời gian vừa qua đang được dòng tiền quan tâm như: Chứng khoán, ngân hàng, thép, bất động sản…