Chứng khoán Mỹ lao dốc khá mạnh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đà lao dốc của cổ phiếu JPMorgan Chase đã tác động mạnh tới nhóm cổ phiếu tài chính trên thị trường và kéo tụt chỉ số công nghiệp Dow Jones, bất chấp sự bứt phá ngoạn mục 4,2% của cổ phiếu chuỗi siêu thị bán lẻ Wal-Mart và đà nhích nhẹ 0,1% của cổ phiếu hãng máy tính HP.

Sáng qua, chính phủ tạm quyền ở Hy Lạp đã tuyên thệ nhậm chức, với nhiệm vụ điều hành đất nước cho đến khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mới dự kiến vào ngày 17/6. Ngay sau đó, quốc hội mới gồm 300 thành viên đã được triệu tập và dự kiến sẽ sớm giải tán để mở đường cho cuộc bầu cử mới.

Cùng với những tin tức bất lợi về tình hình kinh tế châu Âu, tới phiên giao dịch đêm qua (17/5), thị trường chứng khoán Mỹ lại phải đón nhận thêm báo cáo cho thấy chỉ số sản xuất khu vực Philadelphia của nước này ở trạng thái tiêu cực, từ đó đẩy các chỉ số giảm sâu hơn.

Đêm trước (17/5) tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng lao dốc khá mạnh trước những thông tin tiếp tục xấu đi tại châu Âu. Việc nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Wal-Mart báo cáo lợi nhuận tăng tới 10,1% trong quý I, cao hơn dự kiến nhiều, cũng không đủ giải tỏa tâm lý bi quan của các nhà đầu tư.

Đóng cửa phiên 17/5, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều lao dốc, trong đó Dow Jones Industrial Average lùi 156,06 điểm (-1,24%) về 12.442,49 điểm; S&P 500 mất 19,94 điểm (-1,51%) xuống 1.304,86 điểm và Nasdaq hạ 60,35 điểm (-2,10%) xuống 2.813,69 điểm.

Chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm điểm ngay từ những phút giao dịch đầu ngày của phiên 18/5 với cả ba thị trường lớn của khu vực đều nằm trong vùng đỏ, khi thị trường tiếp nhận các số liệu kinh tế xấu từ các nền kinh tế lớn, cùng nỗi lo đeo đẳng về cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải đảo chiều giảm ngay 0,68% (tương đương mất 16,27 điểm), về 2.362,61 điểm.

Tại Hong Kong, việc Tây Ban Nha khẳng định nước này đã chính thức rơi vào suy thoái cùng với động thái hạ mức tín nhiệm nợ 16 ngân hàng nước này của Moody's cũng nhấn chìm chỉ số Hang Seng ngay từ lúc mở cửa phiên, khiến chỉ số này để mất 2,21% (-424,64 điểm) xuống 18.776,29 điểm.

Còn tại Nhật Bản, những yếu tố trên cộng với việc đồng yên tăng mạnh trong rổ tiền tệ cũng đẩy chỉ số Nikkei 225 trượt giảm 187,01 điểm (-2,11%) xuống 8.689,58 điểm.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày cũng sụt giảm mạnh trong bối cảnh đồng euro lại quay đầu chạm đáy thấp nhất trong vòng 4 tháng trước những thông tin xấu đến từ Hy Lạp và Tây Ban Nha.