Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm từ những mối lo ngại về tình hình bất ổn chính trị tại Eurozone, sau khi các chỉ số đồng loạt vọt lên các mức cao nhất trong vòng năm năm qua vào phiên giao dịch cuối tuần trước.

Tin tức cho biết, Bộ Tư pháp Mỹ đang dự định sẽ kiện S&P về việc xếp hạng trái phiếu thế chấp. Đây sẽ là hành động đầu tiên của nhà chức trách Mỹ đối với một tổ chức xếp hạng tín nhiệm liên quan tới cuộc khủng hoảng tài chính. Ngay sau tin này, cổ phiếu của McGraw-Hill, đơn vị sở hữu S&P, đã giảm mạnh 13,8%.

Mức sụt giảm lên hơn 13% đã khiến giá cổ phiếu của McGraw-Hill rơi xuống còn 50,30 USD. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất của cổ phiếu này kể từ tháng 10/1987 tới nay. Giá cổ phiếu của tổ chức định mức tín nhiệm khác là Moody's cũng giảm tới 10,7% xuống còn 49,45 USD, mạnh nhất kể từ tháng 8/2011 tới nay.

Trong khi đó, tình hình nợ công châu Âu lại gây ra những lo lắng trên thị trường sau khi lợi suất trái phiếu của Italy và Tây Ban Nha đồng loạt nhảy vọt. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha tiếp tục tăng cao dù đã ở mức cao kỷ lục. Thủ tướng nước này đang phải đối mặt với những lời yêu gọi từ chức do bê bối tham nhũng.

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm mạnh 129,71 điểm, tương đương 0,93%, đóng cửa ở mức 13.880,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 17,46 điểm (1,15%) xuống 1.495,71 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 47,93 điểm (1,51%), xuống 3.131.17 điểm.

Trong đó, S&P 500 có mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Toàn bộ 10 nhóm ngành thuộc chỉ số này đều giảm điểm. Đáng chú ý nhất là hai cổ phiếu của Chevron và Wal-Mart. Với mức giảm này, S&P 500 hiện đã mất mốc cao nhất trong vòng 5 năm được xác lập cuối tuần trước. Dow Jones cũng rời đỉnh.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức trung bình, với khoảng 6,3 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn một chút so với mức trung bình hàng ngày 6,45 tỷ cổ phiếu hồi năm 2012. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn nhà đầu tư Phố Wall đã tăng vọt tới 13,7%.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng chìm sâu vào "sắc đỏ", do hoạt động bán tháo chốt lời diễn ra mạnh mẽ, khi giới đầu tư cảm thấy bất an trước những diễn biến chính trị phức tạp tại Eurozone.

Tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 giảm 1,58% xuống 6.246,84 điểm; còn chỉ số CAC 40 của Pháp "tụt" tới 3,01%, đóng cửa ở mức 3.659,91 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng này, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng giảm 2,49% và chốt phiên ở mức 7.638,23 điểm.

Italy và Tây Ban Nha chính là nguyên nhân dẫn tới sự "lao dốc" của thị trường cổ phiếu bởi ngoài những bất ổn về tài chính vẫn chưa được cải thiện thì tình hình chính trị tại hai nước thành viên Eurozone này ngày càng trở nên đáng quan ngại.

Khép lại phiên này, chỉ số FTSE Mib và Ibex-35 của Italy và Tây Ban Nha lần lượt mất 4,5% và 3,77%.

Sang tới phiên giao dịch ngày 5/2 tại thị trường châu Á, hầu hết các thị trường chứng khoán cũng đều đảo chiều giảm điểm sau diễn biến ảm đạm tại Mỹ và châu Âu trong phiên trước.

Ngoài ra, hoạt động bán tháo chốt lời sôi động sau vài phiên tăng điểm mạnh liên tiếp mới đây cũng khiến các mã cổ phiếu đi xuống.