Kết quả, cổ phiếu của IBM tăng 3,8% lên 195,34 USD, mạnh nhất trong chỉ số Dow Jones, eBay tăng 8,6% và Qualcomm nhảy được 4,2%.
Đáng chú ý hơn, cổ phiếu của hãng công nghệ Mellanox niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục sau khi hãng sản xuất vi xử lý này công bố lợi nhuận quý 2 vượt xa dự báo của giới phân tích. Giá cổ phiếu của Mellanox tăng tới 41,5% lên 94,90 USD, góp phần đẩy chỉ số bán dẫn PHLX tăng mạnh.
Bên cạnh báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp, thị trường hôm qua khởi sắc còn là nhờ những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm tung ra các chương trình kích thích tăng trưởng mới, do nền kinh tế nước này ngày càng bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy đà phục hồi đã chậm lại và đang ngày một trì trệ hơn.
Đêm trước (19/7), chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giao dịch đi lên thứ ba liên tiếp khi giới đầu tư bỏ qua những số liệu kinh tế kém cỏi gần đây để tập trung vào các báo cáo kết quả kinh doanh khả quan trong quý 2 của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đà tăng đã có phần chững lại khi các nhà giao dịch đón nhận thông tin từ Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tuần trước (kết thúc ngày 14/7), lượng người đang ký xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên 386.000 người, cao hơn gần 10% so với tuần trước nữa và cao hơn dự kiến của các chuyên gia (chỉ là 365.000 người).
Ngoài ra, thị trường còn thất vọng về thông tin doanh số bán nhà đã qua sử dụng tại Mỹ trong tháng 6 đã sụt giảm 5,4% so với tháng 5, thay vì sự đoán là tăng lên.
Đóng cửa phiên 19/7, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều lên điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tăng 0,27% (34,66 điểm) lên 12.943,36 điểm; Nasdaq tiến thêm 0,79% (23,30 điểm) lên 2.965,90 điểm và S&P 500 nhích thêm 3,73 điểm (0,27%) lên 1.376,51 điểm.
Hôm qua, các nhà chức trách Mỹ cho biết, hoạt động sản xuất tại các tiểu bang thuộc khu vực trung-Đại Tây Dương đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, trong khi doanh số bán lại nhà thấp hơn so với dự báo. Trước đó cùng ngày, một báo cáo khác cho thấy số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã gia tăng.
Các thông tin kinh tế vĩ mô yếu kém đã kéo lùi nhóm cổ phiếu tài chính, đặc biệt sau khi cổ phiếu Morgan Stanley giảm 5,3% do công bố lợi nhuận thấp hơn dự báo và phải cắt giảm 1.000 nhân viên tới cuối năm nay. Tuy nhiên, sự suy giảm của cổ phiếu tài chính đã được khỏa lấp phần nào bởi sự đi lên của nhóm ngành công nghệ.
Cùng ngày 19/7, chứng khoán châu Âu cũng đi lên phiên thứ hai liên tiếp nhờ hiệu ứng tích cực từ Phố Wall và hy vọng Mỹ sẽ ban hành các biện pháp kích thích kinh tế do thị trường việc làm không mấy khởi sắc của nước này.
Đóng cửa phiên 19/7, cả ba chỉ số chính của khu vực đều tăng, với các mức tăng khá mạnh, trong đó FTSE 100 của Anh thêm 0,5% lên 5.714,19 điểm; CAC 40 của Pháp bật 0,87% lên 3.263,64 điểm và DAX 30 của Đức "bốc" 1,11% lên 6.758,39 điểm.
Sau khi đồng loạt đi lên trong phiên trước (19/7), chứng khoán châu Á đã chững lại vào lúc mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 20/7 với các sàn chính trong khu vực biến động trái chiều, bất chấp việc Phố Wall vẫn tiếp tục đi lên ngày thứ ba liên tiếp trong phiên 19/7.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng sau khi tăng mạnh phiên trước, phiên này mở cửa chỉ tăng nhẹ 13,14 điểm (tương ứng tăng 0,07%) lên 19.572,19 điểm.
Trong khi đó, tại Trung Quốc và Nhật Bản, hai chỉ số Shanghai Composite và Nikkei 225 đã quay đầu giảm điểm ngay từ đầu phiên khi lần lượt để mất 3,76 điểm và 9,02 điểm, tương ứng với các mức giảm 0,17% và 0,10%. Shanghai Composite bị kéo xuống do sự mất giá của các cổ phiếu ngành bất động sản khi giới đầu tư Trung Quốc thất vọng trước việc chính phủ nước này tái khẳng định chính sách siết chặt đối với lĩnh vực này.
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền địa phương thực thi các biện pháp kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản, đồng thời siết lại các chính sách nới lỏng được đưa ra gần đây trong lĩnh vực này sau khi giá nhà hồi phục trở lại trong tháng Sáu vừa qua.