Thị trường chứng khoán Phố Wall tăng giảm trái chiều sau báo cáo lợi nhuận thất vọng của Apple, song Dow Jones vẫn tăng nhờ những thông tin tích cực mới tại Mỹ, trong đó số người thất nghiệp mới hàng tuần tiếp tục giảm tuần thứ hai liên tiếp.
Trong khi đó, sự phục hồi của cổ phiếu Boeing lại giúp đưa Dow Jones tăng được 46 điểm (+0,33%) lên 13.825,33 điểm và S&P 500 tăng không đáng kể 0,01 điểm (0,00%) lên 1.494,82 điểm.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu Apple giảm mạnh tới 12,4% xuống còn 450,50 USD, khiến giá trị vốn hóa thị trường của hãng sụt mạnh tới 60 tỷ USD xuống còn 423 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn thứ hai ở Mỹ là ExxonMobil (416,5 tỷ USD).
Không may mắn như S&P 500, chỉ số Nasdaq Composite chịu tác động mạnh bởi sự đi xuống của cổ phiếu Apple, nên đã giảm khá sâu khi chốt phiên. Trong khi Dow Jones đang hướng tới tháng tăng điểm tốt nhất kể từ năm 1997. Hiện chỉ số này đã tăng được gần 5,5% trong tháng.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 24/1, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 46 điểm, tương ứng 0,33%, lên 13.825,33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,01 điểm, tương ứng 0%, lên 1.494,82 điểm. Trong khi, chỉ số Nasdaq Composite giảm 23,29 điểm, tương ứng 0,74%, còn 3.130,38 điểm.
Khối lượng giao dịch toàn thị trường ở mức khá cao, với khoảng 6,8 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,93 tỷ cổ phiếu trong tháng. Tỷ lệ cổ phiếu tăng/ giảm ở sàn New York và Nasdaq là 5/4.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tại thị trường châu Âu, chứng khoán khu vực phần lớn tăng điểm nhờ đồng euro mạnh lên so với đồng USD cùng những số liệu kinh tế sáng sủa tại Trung Quốc, Mỹ và Khu vực Eurozone.
Tại Eurozone, hoạt động kinh doanh ở khu vực tư nhân tháng 1/2013 đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng qua, đứng ở mức 48,2 điểm so với 47,2 điểm của tháng 12/2012.
Đóng cửa phiên 24/1, FTSE 100 của Anh tiến 1,09% lên 6.264,91 điểm; DAX 30 của Đức tiến 0,53% lên 7.748,13 điểm và CAC 40 của Pháp tăng 0,70% lên 3.752,17 điểm.
Sau phiên biến động trái chiều đêm trước (24/1) trên thị trường chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Á mở cửa phiên cuối tuần 25/1 cũng tăng giảm trái chiều.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite mở cửa giảm ngay 0,1%, chủ yếu do hoạt động chốt lời tại một số mã cổ phiếu đã tăng mạnh thời gian qua như các cổ phiếu bất động sản và đồ uống.
Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,22%, còn tại Nhật Bản, Nikkei 225 vẫn tiếp tục tăng mạnh, ghi thêm 2,29% nhờ đồng yen tiếp tục yếu đi và chỉ số Dow Jones của Mỹ tăng điểm đêm trước.
Đợt mất giá gần đây của đồng yen đang làm dấy lên những chỉ trích rằng Tokyo đang can thiệp quá sâu vào tỷ giá hối đoái.