Chứng khoán nhìn từ sự cố nghẽn lệnh trên HOSE

Nguyên Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm nhấn của thị trường chứng khoán những ngày qua là lỗi kỹ thuật diễn ra trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE). Tuy HOSE cho biết đã có giải pháp ngắn hạn cũng như dài hạn xử lý vấn đề này nhưng nhà đầu tư vẫn chưa cảm thấy yên tâm khi dòng tiền đang ồ ạt chảy vào chứng khoán.

Nhà đầu tư tại một Công ty chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Linh Tâm
Lượng giao dịch tăng trưởng quá nhanh
Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm (phiên 31/12/2020), VN - Index đứng ở mức 1.103,87 điểm, tăng gần 15% so với đầu năm 2020; HNX - Index đứng ở mức 203,12 điểm, tăng hơn 98% so với hồi đầu năm. UPCOM - Index cũng chốt ở mức 74,45 điểm, tăng hơn 31,6%. Cùng với sự đi lên của thị trường, hàng loạt nhóm cổ phiếu cũng có một năm thăng hoa, có thể kể đến cổ phiếu ngành chứng khoán, khu công nghiệp, thép, ngân hàng…

Với mức phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán và lãi suất duy trì thấp kỷ lục, dòng tiền đã chảy mạnh vào kênh đầu tư chứng khoán. Thị trường ghi nhận quy mô tham gia của nhà đầu tư mới cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/12, chỉ số VN-Index tăng 16,96 điểm - tương đương tăng 1,59%, đóng cửa ở mức 1.084,42 điểm. Đây là tuần thứ 8 tăng điểm liên tục của VN-Index, cùng với đó dòng tiền tiếp tục lập kỷ lục mới. Tuy vậy, trong tuần đã có thời điểm VN-Index giảm sâu và xảy ra sự cố nghẽn lệnh giao dịch. Hiện tượng này thường xuất hiện khi thanh khoản thị trường tăng mạnh, từ 13.000 - 15.000 tỷ đồng.

Đơn cử phiên giao dịch ngày 22/12, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE. Sang phiên 23/12, nhiều nhà đầu tư phản ánh từ 14 giờ chiều trở đi lệnh giao dịch bị treo khi mua các cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, thậm chí không hủy lệnh được. Lần tiếp theo là phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh/hủy lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng. Sang phiên chiều, việc khớp lệnh chỉ diễn ra bình thường chừng 15 phút đầu, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành HOSE Nguyễn Vũ Quang Trung cho biết, trong những phiên giao dịch gần đây, thanh khoản thị trường chứng khoán đã tăng rất mạnh, thậm chí có thời điểm đột biến vào cuối phiên giao dịch. "Về nguyên nhân chính xác thì chúng ta cần thêm thời gian để có đủ dữ liệu giúp các chuyên gia phân tích chuyên sâu" - ông Nguyễn Vũ Quang Trung nói. Đồng thời khẳng định, hệ thống thực hiện khớp lệnh trong những phiên vừa qua không xảy ra sai sót. Lệnh vào hệ thống của HOSE vẫn được ghi nhận xử lý và trả kết quả chính xác, đầy đủ, sau đó chuyển sang Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Kết quả khớp lệnh giữa Sở và các công ty chứng khoán không hề có sự chênh lệch dù là nhỏ nhất.

Dòng tiền vẫn liên tục đổ vào thị trường

Phân tích theo số liệu của 20 công ty chứng khoán hàng đầu, khối lượng lệnh từ đầu năm đến nay tăng 3 - 12 lần so với năm trước. Thực tế, từ đầu tháng 12/2020, lượng giao dịch trên HOSE tăng đột biến, thường xuyên đạt trên 500 triệu cổ phần, với giá trị giao dịch khớp lệnh trực tiếp vượt 10.000 tỷ đồng/phiên. Một số phiên giao dịch, khối lượng giao dịch vọt lên rất cao, chẳng hạn phiên 23/12 gần 770 triệu cổ phiếu khớp lệnh, với giá trị giao dịch đạt gần 15.000 tỷ đồng.

Nhìn lại lịch sử 20 năm chứng khoán Việt Nam từ khi thành lập đến nay, chưa khi nào thị trường đón nhận dòng tiền vào thị trường ồ ạt và lớn như hiện nay. Đó chính là điểm tích cực của chứng khoán nhưng hệ luỵ là hệ thống giao dịch quá cũ đã không thể theo kịp được sự phát triển của thị trường. Do đó, hiện tượng một số công ty chứng khoán, đặc biệt là công ty có nhiều khách hàng, nhà đầu tư bị treo lệnh không thể mua bán dù thị trường vẫn đang trong giờ giao dịch.

Trong khi dòng tiền lớn vẫn "chảy" vào chứng khoán mỗi ngày, điều các nhà đầu tư cần lúc này là một hệ thống ổn định đáp ứng giao dịch. Phụ trách Hội đồng quản trị HOSE Lê Hải Trà cho biết thêm, đơn vị đã có dự án công nghệ thông tin mới sẽ thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Năm nay, hệ thống dự tính được hoàn thành, tuy nhiên, do dịch Covid-19, chuyên gia của nhà thầu xây dựng hệ thống không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng. Do đó, việc đưa hệ thống vào vận hành bị chậm trễ. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch là nhiệm vụ trọng tâm của HOSE.

Trước mắt, giải pháp tình thế của HOSE đó là áp dụng lệnh lô chẵn 100 thay vì lô 10 như trước đây. Việc thử nghiệm có thể bắt đầu từ 28/12 và đi vào vận hành chính thức trong tháng 1/2021. Điều này sẽ làm giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường, trong quá trình chờ hệ thống mới.

Dự báo thanh khoản thị trường thời gian tới, Giám đốc Khối Dịch vụ đầu tư và quản lý tài sản, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Phạm Thiên Quang nhận định, giá trị các phiên giao dịch đã tăng rất mạnh so với đỉnh các giai đoạn trước, khoảng cách đến mức 1 tỷ USD có thể không còn xa.

Một trong những động lực để chúng ta tin tưởng điều này là việc hàng loạt ngân hàng đã và đang nộp hồ sơ niêm yết, giao dịch tập trung. Số lượng các DN vốn hóa tỷ USD đang tăng rất mạnh mẽ và sẽ đột phá về vốn hóa thị trường khi các ngân hàng hoàn tất đưa cổ phiếu lên giao dịch vào đầu năm 2021. Trong khi đó, số lượng tài khoản mở mới vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến sẽ còn tiếp tục xu hướng này trong năm 2021.
Thị trường trường khoán Việt Nam vượt qua ''năm Covid-19'' một cách ngoạn mục. Mặc dù thời điểm khi dịch bùng phát, nhà đầu tư ngoại rút vốn, nhà đầu tư nội ngập ngừng khiến thị trường liên tục giảm sâu. Thậm chí có ý kiến nên dừng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm không dừng thị trường, hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào thị trường. Và thực tế, thị trường đã phát triển thông suốt cũng như hồi phục mạnh mẽ.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần