Chứng khoán, những tín hiệu tích cực trong năm 2021

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán đã đạt nhiều kỷ lục trong năm 2020 và có những tín hiệu tích cực trong năm 2021.

Giao dịch chứng khoán tại ACB. Ảnh: Trần Việt
Nhiều kỷ lục mới 
Thị trường chứng khoán năm 2020 đạt nhiều kỷ lục mới. Rõ nhất là chỉ số VN-Index tính đến cuối năm 2020, tuy còn thấp hơn mức đỉnh vào tháng 4/2018 (1199,96 điểm) nhưng là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay tính đến thời điểm cuối năm. Sau kỷ lục tăng 6 năm liên tiếp (từ 2012 đến 2017), năm 2018 bị giảm so với 2017 nhưng đến 2019 đã tăng lên và năm 2020 đã tăng liên tiếp. Không chỉ VN-Index mà cả 2 chỉ số khác là HNX và UPCOM năm 2020 cũng cao hơn năm 2019. Năm 2020 so với năm 2019, VN-Index tăng 14,87%, tốc độ tăng khá cao so với nhiều thị trường. Nhiều cổ phiếu còn có tốc độ tăng cao hơn nhiều so với chỉ số chung. Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tới 1.280,8 nghìn cổ phiếu, với giá trị 13.578 tỷ đồng.

Một kỷ lục mới khác là cùng với số nhà đầu tư cũ tiếp tục đầu tư và tăng mua, số nhà đầu tư mới tham gia khá đông đảo. Chỉ tính riêng thời gian từ tháng 3, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, đến hết tháng 11, đã có 302.000 tài khoản mới được mở; trong đó riêng trong tháng 11 có 41,2 nghìn, nhiều nhất trong các tháng của thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2000 đến nay.

Một kỷ lục mới quan trọng là giá trị giao dịch bình quân một phiên thị trường chứng khoán đã đạt quy mô lớn. Bình quân 1 phiên trong cả năm đạt khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó tháng 11, tháng 12 đạt 10.000 - 14.800 tỷ đồng. Quy mô trên cao gấp đôi thời gian trước, thể hiện tính thanh khoản thị trường cổ phiếu Việt Nam.

Một kỷ lục mới quan trọng khác là tỷ lệ vốn hóa thị trường/GDP đã đạt 84,3% - cao nhất từ trước đến nay. Một kỷ lục nữa là số vốn huy động qua thị trường chứng khoán đạt 384.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Với những kết quả trên, thị trường chứng khoán Việt Nam được ghi nhận là một trong những nơi có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới. Những kết quả này càng có ý nghĩa và vượt nhiều dự báo không chỉ của nhà đầu tư mà cả các chuyên gia trong, ngoài nước, khi đạt được trong điều kiện năm 2020 có những diễn biến phức tạp.

Tín hiệu khả quan

Tín hiệu khả quan được đề cập ở đây được xét dưới 3 góc độ. Thứ nhất, tác động trực tiếp từ kết quả của chứng khoán đối với phát triển kinh tế. Tăng trưởng cao lên từ quý III và cả năm đạt kết quả dương có một phần quan trọng của kết quả trên thị trường chứng khoán là một minh chứng cho tác động của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, tác động của thị trường chứng khoán đối với tăng trưởng kinh tế không chỉ ở lượng vốn huy động…, mà quan trọng hơn là đem lại lòng tin cho các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, kết quả của chứng khoán năm 2020 và sự tiếp tục thăng hoa từ những ngày đầu năm 2021 sẽ là tín hiệu khả quan để đạt và vượt mục tiêu đề ra cho năm 2021 theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó mục tiêu quan trọng hàng đầu là tăng trưởng kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng năm 2021 theo Nghị quyết của Quốc hội là 6%, theo quyết tâm của Chính phủ là 6,5% - cao hơn nhiều so với ước thực hiện (2,91%) của năm 2020.

Yếu tố quan trọng nhất, trực tiếp nhất là vốn đầu tư. Vốn đầu tư được thu hút từ nhiều kênh. Trong đó, kênh chứng khoán là kênh huy động vốn đầu tư trung, dài hạn, giá cả thường rẻ. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư từ kênh này phụ thuộc vào tiến độ thực hiện cổ phần hóa, việc lên sàn của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự chuyển động của dòng tiền vào các kênh khác…

Chứng khoán là thị trường cao cấp, ở Việt Nam tuy ra đời đến nay đã được 20 năm nhưng so với nhiều nước vẫn còn non trẻ, có quy mô chưa lớn, cần phải tiếp tục hoàn thiện, phát triển.
Thị trường chứng khoán và phái sinh đã tăng trưởng ấn tượng. Trái phiếu chính phủ đã huy động 330.000 tỷ đồng, tăng 64% so với 2019, với kỳ hạn bình quân dài hơn (đạt gần 14 năm), với mức lãi huy động giảm từ 4,31% xuống còn 2,83%/năm. Trái phiếu DN đã huy động đạt 400.000 tỷ đồng, bằng 14,7% GDP.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần