Ngấm “bão” Covid-19, bức tranh tài chính quý 3 ảm đạm
Báo cáo Chiến lược đầu tư tháng 9 của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới phát hành thông tin, tính đến hiện tại Việt Nam đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 dài nhất cùng với những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất được áp dụng tại các khu kinh tế trọng điểm. Kết quả là, tất cả chỉ số kinh tế vĩ mô đã đi xuống trong tháng 8 và có khả năng kéo dài đến tháng 9.
Mặc dù không kỳ vọng về việc áp dụng các biện pháp hạn chế sẽ sớm đưa số lượng các ca nhiễm mới về 0, nhưng các chuyên gia VDSC tin rằng, Chính phủ đang nỗ lực hướng tới việc nới lỏng các biện pháp siết chặt vào nửa cuối tháng 9, sau "trận chiến cuối cùng với đại dịch" (thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng cường) bắt đầu vào tuần cuối cùng của tháng 8.
“Việc nới lỏng các biện pháp thắt chặt là cần thiết và cấp bách nhằm hạn chế những ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất và đặc biệt là tâm lý đầu tư của khối FDI. Điều này hợp lý vì việc triển khai vaccine sẽ được tăng cường đẩy mạnh đáng kể trong những tháng tới”- báo cáo của Rồng Việt đánh giá.
Theo chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt, nếu việc tiêm chủng vaccine diễn ra sát với kế hoạch, những tác động xấu nhất đối với DN sẽ được phản ánh vào quý 3/2021. Cụ thể, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2021 được điều chỉnh giảm xuống 26% YoY từ 33% YoY trước đó. Và sẽ bật lên trong quý cuối cùng của năm khi các hoạt động sản xuất và tiêu dùng dự kiến sẽ sôi động hơn.
Về diễn biến thị trường, VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380.
Cổ phiếu ngân hàng biến động, logistics, hàng tiêu dùng lạc quan
Về chiến lược đầu tư tháng 9, báo cáo của Rồng Việt không có sự thay đổi đáng kể về quan điểm so với tháng trước, khi kết quả kinh doanh quý 3 của các DN niêm yết chắc chắn bị ảnh hưởng do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay. VDSC khuyến nghị quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều.
Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, các mã khối này đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ. Vì vậy, có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn.
VDSC đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng như CTG, TCB, ACB, MBB trong năm 2022. Việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới.
“Do đó, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN- Index”- báo cáo viết.
“Trong giai đoạn hậu giãn cách, chúng tôi tiếp tục ưu tiên các công ty logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản, vì nhiều công ty trong số đó sẽ tiếp tục khả quan trong mùa cao điểm vào quý 4/2021. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng rằng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ tích cực thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư vào những ngành khác như thép, bán lẻ trước khi lợi nhuận của họ bắt đầu tăng vào cuối năm nhờ vào những tác động tích cực từ việc dỡ bỏ phong tỏa”- các chuyên gia VDSC khuyến nghị.