Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán thế giới lao dốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đà đi xuống vài ngày trở lại đây trên thị trường chứng khoán, chủ yếu là xuất phát từ báo cáo kinh tế kém lạc quan của Chính phủ Mỹ. Trong đó, điều đáng quan ngại nhất là việc nền kinh tế này đã giảm 0,1% trong quý cuối cùng của năm ngoái, ngược hoàn toàn với đà tăng trưởng mạnh mẽ 3,1% trong quý 3.

Phiên giao dịch ngày 31/1, thị trường tiếp tục đi xuống do nhà đầu tư quan ngại về khả năng tỷ lệ thất nghiệp của nước này trong tháng đầu năm vẫn đứng ở 7,8%, bất chấp giới phân tích trong cuộc điều tra của hãng tin Reuters dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ trong tháng 1 tạo được thêm 160.000 việc làm mới.

Màu đỏ nhuộm ngập Phố Wall sau số liệu không được như kỳ vọng của một số doanh nghiệp niêm yết lớn, trong đó có nhà chế tạo BlackBerry, Research in Motion và Dow Chemical.

Việc nhà đầu tư bán tháo hai cổ phiếu trên đã khiến chỉ số Dow Jones Industrial Average khép phiên để mất 49,84 điểm (0,36%) xuống 13.860,58 điểm.

Tương tự, S&P 500 cũng rơi 3,85 điểm (0,26%) về 1.498,11 điểm và Nasdaq Composite trượt 0,18 điểm (0,01%) về 3.142,13 điểm.

Chứng khoán thế giới lao dốc - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo số liệu thống kê của Thomson Reuters, tính tới hết phiên giao dịch buổi sáng 31/1, 231 công ty thuộc chỉ số S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2012. Trong đó, 69,3% đạt lợi nhuận vượt dự báo của giới phân tích, cao hơn mức trung bình trong vòng 4 quý gần nhất và mức trung bình từ năm 1994 tới nay.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường tại châu Âu, chứng khoán khu vực cũng phần lớn đi xuống khi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng kinh tế Mỹ khi một loạt công ty công bố kinh doanh bị thua lỗ.

Đóng cửa phiên 31/1, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều mất điểm, trong đó FTSE 100 của Anh trượt 0,73% xuống 6.276,88 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,45% về 7.776,05 điểm và CAC 40 của Pháp mất 0,87% xuống 3.732,60 điểm.

Chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch ngày 1/2 vẫn chủ yếu đi lên, mặc dù hoạt động công nghiệp của Trung Quốc trong tháng 1/2013 đã chậm lại, rơi xuống mức 50,4 điểm, so với mức 50,6 điểm của tháng 12/2102 trước đó.

Mở cửa phiên, hai trong ba chỉ số chính của khu vực đều bật xanh, trong đó Hang Seng của Hong Kong nhích 0,14% và Nikkei 225 của Nhật Bản ghi thêm 0,63%.

Chỉ có Shanghai Composite của Thượng Hải là mất 0,45% vì chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc giảm nhẹ trong tháng Giêng.