Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán toàn cầu ảm đạm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù vào cuối phiên, cổ phiếu của hãng sản xuất máy tính Dell nhảy vọt tới 13% lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua là 12,29 USD, nhưng cũng không cứu vãn được đà đi xuống của hai chỉ số chứng khoán S&P 500 và Nasdaq Composite.

Những thông tin kinh tế chưa rõ ràng từ Mỹ và châu Âu đã khiến chứng khoán toàn cầu có phiên giao dịch đầu tuần ảm đạm.

Các chỉ số chứng khoán Phố Wall biến động bất nhất trong phiên giao dịch đầu tuần 14/1. Giữa lúc chỉ số Dow Jones tiếp tục đi lên, nhờ những tín hiệu tích cực từ Trung Quốc- nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thì chỉ số S&P 500 và Nasdaq đồng loạt mất điểm, do tâm lý ngập ngừng của giới đầu tư trước khi có thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ bước vào mùa công bố lợi nhuận quý 4/2012.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng nhẹ 18,89 điểm (0,14%), lên mức 13.507,32 điểm. Tuy nhiên, chỉ số S&P 500 lại hạ không đáng kể 1,37 điểm, tương đương 0,09%, lên 1.470,68 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 8,13 điểm (0,26%), đóng cửa ở mức 3.117,50 điểm.

Chứng khoán toàn cầu ảm đạm - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Cổ phiếu của hãng sản xuất điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad đã giảm 3,6%, xuống còn 501,75 USD. Trước đó Apple đã cắt giảm đơn đặt hàng màn hình LCD cùng các linh kiện khác cho mẫu iPhone 5 trong quý này do nhu cầu yếu.

Trong phiên, có lúc cổ phiếu của Apple tụt xuống mức 498,51 USD, lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 500 USD kể từ phiên giao dịch ngày 16/2/2012. Việc cổ phiếu Apple giảm sâu đã trở thành lực cản lớn nhất đối với các chỉ số S&P 500 và Nasdaq

Sự đi lên của chỉ số Dow Jones một phần là nhờ giá trị cổ phiếu của hãng máy tính HP tăng 4,9% trong phiên lên 16,95 USD. Sở dĩ cổ phiếu của HP tăng giá mạnh như vậy là nhờ JPMorgan nâng mức giá mục tiêu của cổ phiếu HP từ 15 lên 21 USD.

Tuy nhiên, số cổ phiếu giảm điểm vẫn vượt trội hơn số tăng trên cả hai sàn New York và Nasdaq. Khối lượng giao dịch trên toàn thị trường ở mức thấp, với khoảng 5,6 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, diễn biến các sàn giao dịch chứng khoán cũng tăng giảm trái chiều. Chỉ số FTSEurofirst 300 của khu vực châu Âu giảm 0,3%, xuống 1.159,76 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 2/1/2013, sau khi leo lên mức cao nhất trong vòng 22 tháng qua vào tháng trước đó.

Tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh cũng hạ 0,22%, xuống 6.107,86 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lại lần lượt ghi thêm 0,06% và 0,18%, đóng cửa ở mức 3.708,25 điểm và 7.729,52 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 15/1, đà tăng của thị trường chứng khoán châu Á đã bắt đầu thoái lui, khi giới đầu tư đang khát những thông tin kinh tế mới. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vẫn khai phiên với “sắc xanh” nhờ sự suy yếu của đồng yên, tăng mạnh 113,08 điểm (1,05%), lên 10.914,65 điểm.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, không khí ảm đạm tại các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã khiến chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Thượng Hải đảo chiều đi xuống, với các mức giảm lần lượt là 61,08 điểm (0,26%) và 1,58 điểm (0,07%), xuống 23.352,18 điểm và 2.310,16 điểm./.