Chốt phiên cuối tuần 19/11, VN-Index giảm 17 điểm về 1.452,35 tương đương mức giảm 1,19%; HNX-Index giảm 14,75 điểm (3,15%) còn 453,97 điểm, trong khi UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,25%) còn 113,24 điểm. Thị trường ghi nhận biến động mạnh nhất kể từ đầu tháng 11 tới nay, chấm dứt chuỗi tăng giảm đan xen với biên độ hẹp. Có thời điểm, VN-Index "rơi tự do" hơn 36 điểm, hơn 410 cổ phiếu đỏ lửa trong khi bên tăng chỉ 60 cổ phiếu.
Đặc biệt, trong ngày này, vốn hóa thị trường mất đi hàng chục nghìn tỷ đồng, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp giá trị giao dịch trên tổng 3 sàn ghi nhận 56.337 tỷ đồng (2,45 tỷ USD) - vượt xa kỷ lục 52.144 tỷ đồng thiết lập trong phiên 3/11 trước đó, qua đó ghi nhận đỉnh cao nhất trong vòng 21 năm lịch sử TTCK Việt Nam đi vào hoạt động.
Xét cho cả tuần 15/11 - 19/11, cả 2 chỉ số lại có những con số trái ngược nhau, VN-Index giảm tổng cộng 1,43%, HNX-Index thì lại tăng 2,79%
Khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE hơn 1.13 tỷ cổ phiếu/phiên, tăng 11,65% so với tuần giao dịch trước. Sàn HNX đạt trung bình hơn 191 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 22,47%.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1.057 tỷ đồng trên cả hai sàn. Khối ngoại bán ròng gần 955 tỷ đồng trên sàn HOSE và bán ròng hơn 102 tỷ đồng trên sàn HNX
Cũng trong tuần qua, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, TTCK Việt Nam những năm gần đây đã ghi nhận sự phát triển nhanh về quy mô. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, các thành viên thị trường cần chú trọng hơn tới việc phát triển về chiều sâu và tính bền vững. Trong đó, việc mở rộng vẫn cần thực hiện nhưng theo hướng có sự chọn lọc.
Ông Sơn cho biết hiện nay cơ quan quản lý đã định hướng tăng cường giám sát TTCK, trái phiếu dựa trên 3 tuyến là công ty chứng khoán, các sở giao dịch và Ủy ban Chứng khoán.
Theo đó, phần tư vấn lên sàn trong hoạt động niêm yết hay phát hành trái phiếu của các công ty chứng khoán sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chọn lọc những doanh nghiệp có năng lực tốt cho thị trường.