Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Việt hút vốn ngoại

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) rút ròng ở các thị trường trong khu vực thì thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn được các nhà đầu tư ngoại mua ròng. Điều này thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư thế giới với khả năng phát triển của TTCK Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, một trong những điểm sáng của TTCK năm 2018 là dòng vốn gián tiếp của NĐTNN vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam. Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD, đặc biệt là có một phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục hơn 1,25 tỷ USD.
Khách hàng theo dõi chỉ số tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Tính chung trong cả năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn (như giao dịch mua cổ phiếu Vinhomes, Techcombank, Novaland, Masan).

Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện nhu cầu đầu tư mạnh mẽ của các NĐTNN vào Việt Nam.
Giá trị danh mục đầu tư của NĐTNN năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD tương đương với giá trị cuối năm 2017 và khoảng hơn 1 tỷ USD tiền mặt. Sự tham gia tích cực của NĐTNN đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho TTCK. “Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 theo báo cáo thường niên của FTSE Russell công bố ngày 27/9/2018 là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì, cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra và thời gian tối thiểu xem xét là một năm” - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.
Làm sao để hấp dẫn vốn ngoại?
Là người tham gia và theo sát thị trường Việt Nam trong nhiều năm qua, Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven cho biết, ở các thị trường phát triển, tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức tham gia chiếm 50 - 70%, còn lại là các nhà đầu tư cá nhân.
Tuy nhiên, Việt Nam có tình trạng ngược lại. TTCK thiếu các tổ chức, DN tham gia và bị ảnh hưởng bởi quyết định của nhà đầu tư cá nhân, khiến hoạt động thị trường thiếu ổn định. Ông Dominic Scriven kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết các vướng mắc và mở đường cho loại hình tổ chức khác tham gia vào thị trường, đồng thời đa dạng sản phẩm đầu tư.
Ngoài ra, một vấn đề lớn được các NĐTNN quan tâm là tỷ lệ sở hữu ngoại. Đại diện Dragon Capital kiến nghị, Chính phủ cần xem xét lại Điều 23 của Luật Đầu tư liên quan đến việc các DN Việt Nam có sở hữu nước ngoài trên 51% thì xem là DN ngoại. Đây là điều không phù hợp, tạo ra cạnh tranh không công bằng cho các DN. Bộ luật cần phải được sửa đổi phục vụ cho nhu cầu đồng bộ hóa pháp luật Việt Nam. Ông Dominic Scriven cũng đề xuất, trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng huy động vốn theo basel II, Chính phủ có thể cho phép room ngoại tại các nhà bằng từ 30 lên 49%.
Để tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam với nhà đầu tư ngoại, theo các chuyên gia, cần khuyến khích DN niêm yết sớm áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh cho rằng, nếu báo cáo tài chính không theo chuẩn mực quốc tế, thì có phiên dịch sang tiếng Anh NĐTNN cũng không hiểu được. Về quản trị, chỉ số quản trị công ty của các công ty niêm yết của Việt Nam hiện thấp trong khu vực, nặng thủ tục hình thức. Do đó, các công ty phải hướng đến quản trị thực chất, hiệu quả. Phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đặt mục tiêu nâng hạng TTCK Việt Nam lên thị trường mới nổi để hấp dẫn dòng vốn ngoại.

"Năm 2018, trong bối cảnh các nước bị rút vốn, chứng khoán Việt Nam vẫn hút dòng vốn ngoại vào thị trường. Bên cạnh đó, những sản phẩm mới được đưa vào như phái sinh và chứng quyền có đảm bảo cho thấy sự sáng tạo của các cơ quan quản lý trong việc phát triển thị trường. Đồng thời, Chính phủ có kế hoạch trình Luật Chứng khoán sửa đổi trong thời gian tới là đúng thời điểm và phù hợp với nhu cầu của thị trường hiện nay." - Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven