Chứng khoán "xanh vỏ, đỏ lòng"

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- VN-Index lấy lại sắc xanh về cuối phiên, nhưng hôm nay (ngày 17/4/2023) vẫn không phải là ngày giao dịch dễ dàng. Thị trường trong trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”.

 

Cổ phiếu PGB tiếp tục tăng 1,5% phiên hôm nay
Cổ phiếu PGB tiếp tục tăng 1,5% phiên hôm nay

Một cổ phiếu ngân hàng sắp sáp nhập tăng giá 80% trong vòng 1 tháng

Kết thúc phiên giao dịch, thị trường đã tìm lại được sắc xanh nhờ sự đảo chiều tăng nhẹ của một số bluechip và nhóm ngành trụ cột. Dù vậy, trên HoSE, số cổ phiếu giảm giá vẫn lấn át, cho thấy áp lực bán còn lớn. VN-Index liên tục giằng co quanh tham chiếu, đến cuối phiên đóng cửa trong sắc xanh, khi VN30-Index cùng lúc phát tín hiệu hồi phục.

Tại rổ VN30, 14 cổ phiếu tăng giá và 12 mã giảm giá. Chỉ số đại diện rổ VN30 tăng 1,59 điểm, lớn hơn mức tăng của VN-Index. Sự hồi phục của nhóm cổ phiếu lớn khéo VN-Index về trên tham chiếu. Trong đó, BID, TCB, VHM, NVL, HPG... là những mã giao dịch tích cực nhất.

NVL tăng mạnh nhất rổ VN30, với mức 4,2%, khớp 16,69 triệu đơn vị, còn PDR tăng 3,7% và khớp xấp xỉ 7 triệu đơn vị. Các mã còn lại chỉ tăng trên dưới 1%, nhích nhẹ trên tham chiếu. NVL tăng mạnh sau thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Nhiều mã bất động sản giao tích cực như CTD tăng 4,7%, LDG tăng 3,7%, HQC tăng 3,6%...
Nhiều mã bất động sản giao tích cực như CTD tăng 4,7%, LDG tăng 3,7%, HQC tăng 3,6%...

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp như Novaland (NVL), Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân (dự án của DIC Corp (DIG),… trước 20/4/2023.

Nhiều mã bất động sản cũng giao tích cực, như CTD tăng 4,7%, LDG tăng 3,7%, HQC tăng 3,6%, DPG tăng 3%, NLG tăng 2,5%, SZC tăng 2,3%, SZL, KHG, KDH, KBC, PHR đều tăng hơn 2%...

Cổ phiếu ngân hàng có phiên đầu tuần không mấy khả quan, đặc biệt là các cổ phiếu trên HoSE.

Ngược lại, tại UPCoM, PGB tiếp tục tăng 1,5%. PGB đang trong mạch tăng mạnh, chỉ 1 tuần qua lên giá gần 20%. Tính qua 1 tháng, PGB tăng tới 78%. Giữa lúc cổ phiếu PGB tăng mạnh, người nhà lãnh đạo ngân hàng này đã đăng ký bán lượng lớn cổ phiếu. Ông Đinh Văn Lâm và bà Đinh Thị Bé, là người có liên quan đến Phó Tổng PGB Đinh Thành Nghiệp, đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ số cổ phiếu mà 2 người này nắm giữ tại PG Bank với mục đích cơ cấu danh mục đầu tư. Thời gian từ 21/4-19/5/2023. Hai cá nhân này hiện nắm giữ hơn 7,5 triệu cổ phiếu PGB, chiếm tỷ lệ 2,51% vốn ngân hàng này.

Ở nhóm chứng khoán, không có mã nào bật mạnh, nhưng sắc xanh đã chiếm ưu thế trong ngành, với AGR tăng 2,9%, APG tăng 2,8%, BSI tăng 2,7%, VIX tăng 2,3%, CTS và VDS cùng tăng 1,5%, HCM tăng 1,2%, VCI tăng 1,1%... Cổ phiếu SSI tăng nhẹ 0,7% nhưng là mã giao dịch sôi động nhất ngành với gần 12,82 triệu đơn vị khớp lệnh; tiếp theo là VND cũng nhích nhẹ 0,3% và khớp hơn 10,43 triệu đơn vị.

Trong ngày thị trường trồi sụt, thanh khoản giảm mạnh, cổ phiếu ngành thực phẩm, nông nghiệp tăng giá tốt và hút dòng tiền vượt trội. DBC tăng trần, BAF tăng 4,4%, VHC tăng 4%...

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,92 điểm (0,09%) lên 1.053,81 điểm. HNX-Index giảm 0,62 điểm (0,3%) xuống 206,63 điểm. UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (0,39%) xuống 78,38 điểm.

Thanh khoản giảm rất mạnh, giá trị khớp lệnh HoSE chưa tới 6.000 tỷ đồng, thấp hơn 5.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước. Khối ngoại quay lại mua ròng với giá trị 220 tỷ đồng, tập trung vào HPG, PNJ, KBC, SSI, VHM...

Dòng tiền lớn vẫn chưa quay lại thị trường

Nhận định về xu hướng thị trường trong tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường CTCK VNDIRECT đánh giá, xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể đã dừng lại khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về dưới ngưỡng MA20 (tương ứng mức quanh 1.057 điểm).

“Theo quan sát của chúng tôi, mặc dù thị trường vừa trải qua một chuỗi tăng điểm khá dài nhưng dường như dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại thị trường. Dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ về mức tăng (điểm số).

Do đó, khi thị trường bắt đầu rơi vào vùng thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã kích hoạt hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu tăng nóng vừa qua như bất động sản, chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán quay đầu điều chỉnh. Đồng thời, động thái liên tục bán ròng của khối ngoại trong những tuần gần đây cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường”, ông Đinh Quang Hinh phân tích.

Vị chuyên gia cũng dự báo, thị trường có thể sẽ có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm. Tuy nhiên, kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua. Áp lực ngắn hạn của thị trường chủ yếu đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục kém khả quan và áp lực từ đợt đáo hạn phái sinh vào phiên thứ 5 tuân này (ngày 20/4). Tuy vậy, áp lực này sẽ không lớn khi định giá của thị trường đang ở vùng chiết khấu khá cao so với lịch sử.

Còn Chứng khoán Tân Việt nhận định, xu hướng tăng điểm ngắn hạn về mặt điểm số tạm thời bị phá vỡ. Nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng các mã cổ phiếu ngắn hạn, đặc biệt là các cổ phiếu giảm mạnh và lộ giá sàn trong các phiên gần đây. Một vài nhóm ngành mặc dù trước đó tăng tốt nhưng hiện tại đã có tín hiệu khá tiêu cực.