Chung sức, đồng lòng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường Vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển chung của Thủ đô, đặc biệt những quận, huyện có dự án đi qua. Để bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, thời gian qua cả hệ thống chính trị của TP cùng Nhân dân đã nỗ lực vào cuộc.

Công tác chi trả tiền GPMB dự án đường Vành đai 4 tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức được triển khai bài bản.
Công tác chi trả tiền GPMB dự án đường Vành đai 4 tại xã Yên Sở, huyện Hoài Đức được triển khai bài bản.

Nhân dân ủng hộ chủ trương

Gia đình bà Nguyễn Thị Mận, thôn Văn Hội, xã Văn Bình (huyện Thường Tín) có 3.096m2 đất thuộc diện phải thu hồi giải phóng mặt bằng (GPMB) triển khai dự án đường Vành đai 4. Qua tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền địa phương, 7 nhân khẩu gia đình bà đồng tình nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bàn giao mặt bằng cho Nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay bà mong muốn, các cấp, ngành của TP Hà Nội và huyện Thường Tín quan tâm sớm bố trí đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở khu đất tái định cư để các gia đình thuộc địa bàn xã Văn Bình nằm trong dự án có diện tích đất thu hồi yên tâm ổn định cuộc sống.

"Tuyến đường Vành đai 4 qua Thường Tín dài khoảng 9km không phải mình nhà tôi bị thu hồi đất. Chỉ mong sau này gia đình tôi cũng như nhiều hộ bị thu hồi đất được bố trí tái định cư ở nơi rộng rãi, tương xứng với những gì đã góp sức cho thành công của dự án đường Vành đai 4" - bà Mận mong muốn.

Ông Nguyễn Công Hành, thôn 4, xã Song Phương (huyện Hoài Đức) nằm trong diện hỗ trợ GPMB dự án đường Vành đai 4 đợt 1 của địa phương chia sẻ: Nhờ sớm biết được ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đường Vành đai 4 nên người dân Song Phương đều đồng thuận ủng hộ.

Qua 2/3 lần chi trả bồi thường, GPMB đường Vành đai 4 với hơn 1.000m2 đất nông nghiệp, đến nay gia đình ông Hành cũng đã nhận đủ tiền đền bù, hỗ trợ theo quy định. So với những lần đầu chi trả, các lần sau xã và huyện tiến hành nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hơn.

Ông Phan Huy Tửu, thôn Đông Lao, xã Đông La (huyện Hoài Đức) cho biết, gia đình có 800m2 đất nông nghiệp nằm trong chỉ giới đường Vành đai 4. Sau khi được tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của tuyến đường, gia đình đã sớm di dời cây trồng, bàn giao đất cho Nhà nước và có đơn xin nhận tiền đền bù đợt đầu của xã với 816 triệu đồng.

Người dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức thực hiện công tác kiểm đếm cây trồng và đất đai tại thực địa khu vực GPMB dự án đường Vành đai 4.
Người dân xã Song Phương, huyện Hoài Đức thực hiện công tác kiểm đếm cây trồng và đất đai tại thực địa khu vực GPMB dự án đường Vành đai 4.

Tương tự, ông Đỗ Văn Hội, thôn Đồng Nhân, xã Đông La (huyện Hoài Đức) chia sẻ: Công tác GPMB để thi công dự án đường Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị không phải chỉ riêng của TP Hà Nội, mà còn là của cả đất nước. Do vậy, gia đình ông tích cực phối hợp với các cơ quan cũng như chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ quy chủ, kiểm đếm tài sản để nhận 666 triệu đồng tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB. 

"Mặc dù gia đình tôi cũng bị thu hồi hơn 1/3 diện tích đất nông nghiệp, cùng nhiều diện tích hoa màu nhưng tuyến đường này đi vào khai thác sẽ phát huy vai trò phát triển kinh tế - xã hội của TP, phục vụ dân sinh là chủ yếu nên các hộ dân địa phương đều hài lòng, đồng tình ủng hộ" - ông Hội tâm sự.

Với quyết tâm bàn giao mặt bằng đúng tiến độ theo chỉ đạo của TP, công tác thông tin, tuyên truyền đã và đang được cả hệ thống chính trị của huyện Hoài Đức cũng như Thường Tín triển khai tích cực, linh hoạt, hiệu quả, góp phần tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân trong công tác GPMB mặt bằng thực hiện dự án đường Vành đai 4.

Đẩy nhanh tiến độ  giải phóng mặt bằng

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng, đến nay Hoài Đức đã hoàn thiện hồ sơ phê duyệt, chỉ trả tiền và thu hồi được 91,4ha đất các loại của 3.215 hộ gia đình và đất công ở 12 xã liên quan đến dự án đường Vành đai 4. Huyện đã chi trả tiền 26 đợt ở 12 xã có đường Vành đai 4 đi qua liên quan đến đất nông nghiệp và mộ chí lên tới 981 tỷ đồng.

Hiện nay, Hoài Đức có xã Dương Liễu và xã Yên Sở đã cơ bản hoàn thành chi trả tiền cho các hộ có đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB đường Vành đai 4. Trong đó, xã Dương Liễu chi trả tiền được 4 đợt và xã Yên Sở chi trả 2 đợt. Ngày 21/4 sẽ chi trả nốt đợt cuối cùng tiền GPMB 1,28ha đất nông nghiệp của 71 hộ dân xã Yên Sở.

Cán bộ huyện Thường Tín và xã Văn Bình thực hiện công việc thu hồi sổ đỏ để chỉnh lý diện tích sau khi  GPMB dự án đường Vành đai 4.
Cán bộ huyện Thường Tín và xã Văn Bình thực hiện công việc thu hồi sổ đỏ để chỉnh lý diện tích sau khi  GPMB dự án đường Vành đai 4.

Cũng theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng, từ nay đến hết tháng 4/2023, Hoài Đức tiếp tục chi trả 369 tỷ đồng GPMB dự án đường Vành đai 4 cho các gia đình trên địa bàn với 36ha đất nông nghiệp nằm trong phạm vi GPMB thi công dự án đường Vành đai 4.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết: Tuyến đường Vành đai 4 đi qua 12 xã của huyện với chiều dài khoảng 17,1km; diện tích thu hồi 239,63ha; có khoảng 115 hộ cần bố trí tái định cư, 2.222 ngôi mộ phải di chuyển… Sở TN&MT đã bàn giao cho huyện 769 mốc (100%).

Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hoài Đức quyết liệt chỉ đạo công tác GPMB phục vụ dự án. Qua đó đã tạo được sự thống nhất và đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng thời, hoàn thành kê khai, kiểm đếm 172,92ha của 5.929 hộ dân có đất nông nghiệp và 1,1ha đất công.

Cùng với đó, niêm yết dự thảo phương án 117,5ha đất của 4.590 hộ gia đình với số tiền 1.327,6 tỷ đồng và 1,1ha đất công. Mặt khác, đã phê duyệt và thu hồi xong 91,47ha, trong đó 90,3ha đất nông nghiệp của 3.217 hộ với số tiền 957,6 tỷ đồng và 1,1ha đất công tại xã Minh Khai.

“Đến nay, huyện cũng đã chi trả xong 23,4 tỷ đồng cho các hộ gia đình để di chuyển 1.747/2.222 ngôi mộ vào nghĩa trang được quy hoạch. Như vậy, huyện Hoài Đức đã chi trả xong 981 tỷ đồng cho công tác GPMB đường Vành đai 4 đi qua địa bàn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh nhấn mạnh.

Còn tại huyện Thường Tín, đến thời điểm này đã chi trả tiền bồi thường, GPMB được 50,9ha đất nông nghiệp/134,54ha đất nằm trong phạm vi dự án đường Vành đai 4. Tổng số mộ các xã đã di chuyển xong đến ngày 16/4 là 1.790/1.846 mộ nổi có chủ. Bên cạnh đó, còn khoảng 100 mộ nổi chưa xác định được chủ đang làm thủ tục di chuyển.

Các hộ dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ký biên bản chấp thuận GPMB dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã.
Các hộ dân xã Khánh Hà, huyện Thường Tín ký biên bản chấp thuận GPMB dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn xã.

Thường Tín cũng đang gấp rút chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng hạ tầng 3/4 khu tái định cư liên quan đến GPMB đất nằm trong dự án đường Vành đai 4 theo quy định với 10,2ha tại 3 xã: Hồng Vân, Văn Bình, Vân Tảo. Dự kiến sẽ thi công 3 khu tái định vào cuối tháng 4/2023. Còn với khu tái định cư xã Khánh Hà đang triển khai bước họp dân.

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định: Kết quả GPMB, chi trả kinh phí bồi thường, nhất là nhiệm vụ di dời phần mộ trong chỉ giới đường đỏ của dự án đường Vành đai 4 liên quan đến 6/9 xã và việc triển khai xây dựng các khu tái định cư tại 4 xã sẽ được huyện hoàn thành trong quý II/2023.

Có thể thấy rằng, với tinh thần "làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển", hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của TP, cùng sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, việc GPMB sẽ triển khai nhanh hơn, góp phần bảo đảm tiến độ thi công dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.