Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Chúng ta cũng đang lãng phí niềm tin của Nhân dân vào cơ quan công quyền"

Vân Hà - Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều 1/6, thảo luận về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội cho rằng, còn hạn chế về công tác đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, cải cách thủ tục hành chính... Chúng ta cũng đang lãng phí niềm tin của Nhân dân vào cơ quan công quyền.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam)
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam)

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.

Đề nghị giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (Đoàn tỉnh Hà Nam), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn hạn chế ở công tác đầu tư công, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt được thực hiện hiệu quả. Ngoài ra, chúng ta còn lãng phí trong cải cách thủ tục hành chính. Các địa phương, Bộ ngành cũng phát sinh thủ tục mới. Chúng ta cũng đang lãng phí niềm tin của Nhân dân vào cơ quan công quyền.

Với những bất cập trên, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì với các cơ quan của Quốc hội ngay trong năm 2024 thực hiện giám sát chuyên đề "việc thực hiện chính sách pháp luật của cán bộ, công chức theo Luật cán bộ, công chức trong năm 2022” trên phạm vi cả nước. Trong đó, tập trung vào nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức và những việc cán bộ, công chức không được làm (không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết, tự ý bỏ việc...). Qua giám sát để có cơ sở đánh giá khách quan và xử lý cán bộ vi phạm luật cán bộ, công chức. Đồng thời, kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ sửa đổi kịp thời các vướng mắc.        

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 1/6
Quang cảnh phiên thảo luận chiều 1/6

Đại biểu cũng đề xuất khẩn trương, tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng phải tập trung cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng quy trình hóa, cá nhân hóa trách nhiệm từng công việc, từng lĩnh vực, lấy hiệu quả thực sự làm cơ sở đánh giá cán bộ.

Đại biểu đề nghị Quốc hội, HĐND các cấp tăng cường thực hiện chức năng giám sát, chất vấn, tái chất vấn và yêu cầu giải trình nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật chưa được khắc phục

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang) cho rằng, Chính phủ cần báo cáo, đánh giá rõ hơn về những tồn tại, hạn chế, lãng phí - nhất là những lãng phí xuất phát từ việc ban hành những quy định pháp luật chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới lãng phí, thậm chí tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng ngân sách đầu tư công.

Đại biểu cũng cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn chi tiết vẫn chưa được khắc phục, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ. "Việc chậm trễ này gây lãng phí cơ hội thực hiện chương trình, cũng là lãng phí cơ hội của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong việc thụ hưởng các chính sách của nhà nước"- đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, giảm thiểu lãng phí trong sắp xếp tổ chức bộ máy; khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra để nâng cao hơn nữa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang)
Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Đoàn tỉnh Hà Giang)

Còn lãng phí nguồn nhân lực

Còn đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân (Đoàn tỉnh Thái Bình) lưu ý, vấn đề lao động là nguồn lực lớn, một trong ba trụ cột cho phát triển, nhưng hiện nay chúng ta đang bỏ qua, đang lãng phí. Chỉ tiêu năng suất lao động đều nhiều năm không đạt. So với các nước xung quanh thì năng suất lao động của nước ta là mức rất thấp, gần như là cận dưới.

Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị kiểm điểm, xem xét lại năng suất lao động không đạt là do đâu? Do người lao động, cán bộ công nhân viên chức không chịu làm việc hay do quản lý?. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần quan tâm đến cơ chế tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và nên coi tăng lương là đầu tư vào con người; không thể để có tư tưởng trả lương như nào thì làm việc như thế. Nếu không có mức lương phù hợp thì cán bộ sẽ ra ngoài làm, mất đi nguồn lực.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng chỉ rõ những lãng phí như chậm giải quyết xử lý 12 dự án đắp chiếu hay tồn dư ngân sách nhà nước lớn để trong ngân hàng mà không được sử dụng, quay vòng. Đại biểu phân tích, trong khi doanh nghiệp đang thiếu tiền, nhiều dự án đầu tư công thiếu vốn, còn nước ta vẫn phải đi vay thì tồn dư ngân sách lại lớn. Vì vậy, cần có giải thích, làm rõ những vấn đề này. "Phải sử dụng nguồn ngân sách tồn dư này trên cơ sở cân đối của Chính phủ chứ không thể để tiền trong Kho bạc Nhà nước và gửi ngân hàng"- đại biểu nêu.

Ở góc độ khác, đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phân tích về sự lãng phí trong công tác ban hành chính sách. Bởi lẽ, dù có định hướng xây dựng pháp luật cho cả nhiệm kỳ, song nhiều dự án không kịp tiến độ, có dự án không đảm bảo chất lượng, một số bất cập tuy được phát hiện nhưng chậm sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, không ít văn bản quy phạm pháp luật có đời sống khá ngắn, phải sửa đổi sau vài năm ban hành. Điều đáng nói là tình trạng nợ đọng văn bản vẫn chưa được giải quyết căn cơ, cá biệt có văn bản chậm tới 8 năm.

“Nghịch lý là tờ trình khi xây dựng văn bản đều nói sự cần thiết, lý giải tính cấp thiết rằng nếu không ban hành ngay thì không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, nhưng khi luật có hiệu lực rồi mà 8 năm sau vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết để đối tượng chịu sự tác động thực hiện” – đại biểu nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, một số báo cáo đánh giá tác động không đánh giá được hết số tiền phải chi cho thay đổi chính sách. Bà cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận vì gây lãng phí tiền của, công sức, lãng phí cơ hội phát triển, có trường hợp tính được bằng tiền và trường hợp không tính được bằng tiền nhưng làm chậm lại sự phát triển của kinh tế - xã hội.