70 năm giải phóng Thủ đô

Chung tay đẩy lùi vi phạm giao thông

Phạm Công - Huy Hoàng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/5, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc xây dựng và phát động phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Trung tâm điều khiển giao thông Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh
Trung tâm điều khiển giao thông Công an TP Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Đây là động thái mạnh mẽ, kêu gọi người dân chung tay với chính quyền cùng xây dựng văn hóa giao thông, góp phần quan trọng giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông.

Nhân dân giám sát

Kế hoạch số 145/KH-UBND nhằm triển khai thống nhất, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, trọng tâm là vận dụng triệt để thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Phấn đấu mỗi người dân là một “tuyên truyền viên", một “cộng tác viên” đắc lực với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Lực lượng chức năng có trách nhiệm xác minh, xử lý, giải quyết thông tin phản ánh phải kịp thời, đúng hành vi vi phạm và đúng quy định pháp luật.

Đồng thời, bảo đảm an toàn, bí mật về danh tính của người cung cấp thông tin, tài liệu; kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, tích cực trong tham gia hoạt động phong trào; xử lý nghiêm đối với các hành vi lợi dụng phong trào.

Phong trào được triển khai trên phạm vi toàn TP Hà Nội, tuyên truyền Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hướng dẫn cách thức nhận diện, vận động Nhân dân chủ động phát hiện, kịp thời phản ánh các hành vi vi phạm: Xe ô tô khách chở quá số người quy định; đón trả khách không đúng nơi quy định; xe ô tô tải chở quá khổ, quá tải, "cơi nới" thành thùng, chở vật liệu để rơi vãi; hoạt động không đúng giờ quy định (bao gồm cả xe chở rác); xe ô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, đi vào làn khẩn cấp trên đường cao tốc...

Anh Hoàng Văn Linh, tài xế lái xe buýt tuyến 06 cho rằng, việc mọi người dân đều có thể phản ánh thông tin về vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ nâng cao ý thức của người tham gia giao thông khi mọi lúc mọi nơi đều có “camera giám sát”.

“Chúng tôi lái xe trên đường hàng ngày, gặp rất nhiều trường hợp cố tình vi phạm gây nguy hiểm cho người xung quanh, rất bức xúc nhưng không làm gì được, lực lượng chức năng thì không phải chỗ nào cũng có. Qua đó, rất cần có những kênh thông tin tiếp cận để người dân dễ dàng phản ánh, nhanh chóng và thuận tiện nhất” – anh Hoàng Văn Linh chia sẻ.

Tuyên truyền sâu rộng

Để người dân nâng cao tinh thần trách nhiệm, TP Hà Nội cũng sẽ tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân trên cơ sở nhận diện các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, chủ động, tích cực cung cấp các thông tin, tài liệu phản ánh bằng cách thức ghi nhận đầy đủ thông tin về: Nội dung hành vi vi phạm; video clip, hình ảnh của hành vi vi phạm (được ghi nhận bằng camera, máy ảnh, điện thoại thông minh...); thời gian phát hiện (ngày, giờ); tuyến đường xảy ra vi phạm (tên đường, vị trí nút giao, số ki lô mét theo mốc lộ giới, số nhà, địa bàn hành chính cấp huyện, xã); biển kiểm soát, đặc điểm của phương tiện (chủng loại xe, màu sơn...); chủ xe, người điều khiển phương tiện (nếu xác định được) và các thông tin khác có liên quan theo tính chất của từng vụ việc, hành vi vi phạm cụ thể.

Công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; Cổng thông tin điện tử của Công an TP, các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, UBND các quận, huyện, thị xã. Nâng cao chất lượng tuyên truyền các chuyên mục về giao thông đô thị, an toàn giao thông trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hànộimới, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo An ninh Thủ đô...

Trao đổi về vấn đề này, thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng, việc phát động phong trào toàn dân phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông sẽ dần xây dựng được thói quen cũng như văn hóa chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

“Có thể nói, tài xế sợ nhất camera phạt nguội. Nhiều tuyến đường có camera phạt nguội, luôn được tài xế chấp hành nghiêm chỉnh. Nay mỗi người dân là một camera phạt nguội, nên việc chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ sẽ được nâng cao” – thạc sĩ Nguyễn Văn Dương nhận định.

Theo chuyên gia giao thông thạc sĩ Đỗ Cao Phan, trước đây, việc lực lượng công an xử lý vi phạm qua thông tin mạng xã hội đã diễn ra và khá hiệu quả tuy nhiên chưa diễn ra thường xuyên và liên tục. Để việc xử lý thông tin từ người dân cung cấp được hiệu quả cần có những kênh thông tin tiếp nhận nhanh chóng, chính xác như các trang mạng xã hội.

Việc thông tin được cung cấp cũng cần xử lý khẩn trương, thậm chí tiến hành vây bắt, xử phạt tại hiện trường đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Để người dân yên tâm phản ánh các hành vi vi phạm, thạc sĩ Đỗ Cao Phan cũng cho rằng, thông tin về người cung cấp cần được đảm bảo tuyệt đối cũng như việc xử lý vi phạm cần được công khai, minh bạch.

 

Công an TP Hà Nội cho biết sẽ có kế hoạch tiếp nhận, tận dụng hiệu quả thông tin do người dân cung cấp. Hiện người dân vẫn có thể gửi hình ảnh vi phạm giao thông lên các Fanpage, trang mạng xã hội của Công an TP cũng như Phòng CSGT để hỗ trợ lực lượng chức năng xử phạt nguội vi phạm.

Hoặc thông tin trực tiếp qua số điện thoại của Phòng Cảnh sát giao thông: 024.3942.4451 (tài khoản Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”).