70 năm giải phóng Thủ đô

Chung tay với nghề công tác xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi có Đề án 32 của Chính phủ, công tác xã hội (CTXH) mới chính thức được công nhận là một nghề cụ thể.

Để hiểu biết và nhận thức của xã hội về nghề này được quan tâm đúng mức đòi hỏi sự chung tay tiếp sức của các Bộ, ngành liên quan.

Người Việt Nam vốn dĩ có truyền thống nhân ái lá lành đùm lá rách, thương người như thể thương thân..., và đây thực chất là hình thức cơ bản của hoạt động CTXH. Theo đà phát triển của xã hội, các hoạt động tương thân, tương ái cũng ngày càng phong phú và đa dạng.

Ngày 23/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32). Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận CTXH là một ngành nghề mới ở Việt Nam. Mục tiêu của Đề án 32 là phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH.

Để đạt được yêu cầu đặt ra cần có sự chung sức của các Bộ, ngành liên quan. Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32 phát triển nghề CTXH; điều phối các hoạt động của Đề án; chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo hoạt động xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ CTXH và mạng lưới nhân viên, cộng tác viên; nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên, cộng tác viên.

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức CTXH; nghiên cứu áp dụng ngạch, bậc lương, các chế độ phụ cấp lương, cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đối với viên chức CTXH; phối hợp với Bộ LĐTB&XH chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng các Trung tâm tư vấn và cung cấp các dịch vụ CTXH.

Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ CTXH; nghiên cứu hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên CTXH và thiết lập mạng lưới viên chức CTXH trong các trường học.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất kế hoạch xây dựng, sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan để phát triển nghề CTXH theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT bố trí kinh phí thực hiện Đề án 32 trong dự toán ngân sách hàng năm của các cơ quan T.Ư và các địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển nghề CTXH.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm triển khai thực hiện Đề án 32; nghiên cứu, xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền để phát triển nghề CTXH.

UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu nhằm cụ thể hóa Đề án 32 phát triển nghề CTXH trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, TP và bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất thực hiện Đề án 32.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên chỉ đạo các cấp hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến làm thay đổi nhận thức trong đoàn viên, hội viên về nghề CTXH.