Chung tay xây dựng xã hội giao thông thân thiện

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh giao thông trở thành một trong những tiêu chí hàng đầu đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia, là nền tảng cho sự phát triển bền vững…, yêu cầu phải hình thành được văn hóa giao thông (VHGT) trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Tạo thói quen cư xử có văn hóa

VHGT là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung, thông qua hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Nói một cách cụ thể hơn, VHGT là sự tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT), là sự ứng xử giữa người tham gia giao thông với nhau trên cơ sở hạ tầng giao thông và không gian có sẵn. VHGT gồm 3 bộ phận hợp thành: Một là, các luật quy định nguyên tắc ứng xử chung của mọi người khi tham gia giao thông; hai là, hệ thống cơ sở  hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho giao thông như đường sá và các công trình trên đường, các loại hình phương tiện tham gia giao thông, hệ thống chiếu sáng, hệ thống tổ chức giao thông, các phương tiện cứu hộ, phương tiện bảo hiểm khi tham gia giao thông; ba là, hệ thống tổ chức quản lý trật tự ATGT gồm các cơ quan xây dựng và quản lý cơ sở hạ tầng, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông và quan trọng nhất là người tham gia giao thông…
Đi đúng làn đường quy định là biểu hiện tốt về văn hóa giao thông.     Ảnh: Quỳnh Linh
Đi đúng làn đường quy định là biểu hiện tốt về văn hóa giao thông. Ảnh: Quỳnh Linh
 
Để thực hiện mục tiêu tạo lập nên một môi trường giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và hiệu quả, VHGT cần đáp ứng 3 tiêu chí: Một là, về nhận thức và hành động, hiểu biết đầy đủ và tự giác chấp hành đúng các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT; hai là, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn và giúp đỡ người khác; ba là, có thái độ ứng xử văn minh lịch sự khi xảy ra va chạm giao thông và tinh thần thượng tôn pháp luật. 

Trên cơ sở đó, xây dựng VHGT cũng phải kế thừa từ VHGT truyền thống kết hợp với giao thông hiện đại và phù hợp với tập quán quốc tế. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông. 

Tuân thủ nghiêm các quy định 

Người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định về ATGT; Luật Giao thông đường bộ và các quy định trong giao thông đô thị. Theo đó, người điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông phải có giấy phép lái xe phù hợp, phương tiện bảo đảm chất lượng an toàn kỹ thuật và đảm bảo vệ sinh môi trường; người điều khiển phương tiện xe cơ giới không uống rượu, bia. Ngoài ra, người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy; đi đúng làn đường, phần đường, tuân thủ quy định về tốc độ, dừng, đỗ xe đúng nơi quy định; tuân thủ hiệu lệnh và chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường và nhường đường cho người đi bộ. Đặc biệt, khi tham gia giao thông vào giờ cao điểm, bởi trên thực tế, dù có biển cấm đi xe trên vỉa hè và phần đường dành cho người đi bộ nhưng trong giờ cao điểm, nhiều người tìm cách len lên trước kể cả phóng xe lên vỉa hè, khiến đường đã tắc càng thêm tắc. 

Đi đúng làn đường quy định cũng là nét đẹp trong VHGT, vì nguyên nhân dẫn đến các "điểm đen" về ùn tắc giao thông và nhiều điểm có nguy cơ ùn tắc chính là do sự ích kỷ của người tham gia giao thông. Nếu ý thức coi thường luật giao thông không bị xử lý nghiêm sẽ dần trở thành thói quen, tập tính xấu. Ở Thái Lan, dù mật độ giao thông tại Bangkok lớn hơn của Hà Nội rất nhiều, thậm chí có lúc ùn xe kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhưng người dân vẫn nghiêm chỉnh chấp hành luật, vẫn làn nào đúng làn đấy nên chỉ bị ùn chứ không tắc.

 Đối với người đi bộ cần đi trên phần đường dành riêng theo chiều quy định, đi trên vỉa hè hoặc đi sát lề đường bên phải (nơi không có vỉa hè); không đi hàng 3, hàng 4 làm cản trở giao thông; không mang vác cồng kềnh gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị; sang đường đúng nơi quy định; giữ gìn vệ sinh chung, xả rác đúng nơi quy định.

Nâng cao trách nhiệm

Để xây dựng được VHGT, cả cộng đồng phải cùng chung tay xây dựng một xã hội giao thông an toàn thân thiện bằng những việc làm cụ thể như: Khi tham gia giao thông phải có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, tôn trọng, nhường nhịn người khác, tận tình giúp đỡ người tham gia giao thông gặp nạn, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em, người cao tuổi. Để đẩy mạnh tiến trình xây dựng VHGT cần lưu ý tới những vấn đề như nhường đường cho người đi bộ, đặc biệt khi đi qua vạch kẻ sơn. Đối với người đi ô tô phải thắt dây an toàn vì người lái xe nặng 70kg chạy xe với tốc độ 60km/giờ, khi bị đâm chính diện sẽ phải chịu một lực đập mạnh lên người, tương đương với khoảng 3 tấn. Ở Thuỵ Sỹ, khi thắt dây an toàn trở thành quy định bắt buộc thì số thương vong nặng trong các vụ tai nạn giao thông ô tô giảm 5 lần, bị thương nhẹ giảm 3 lần. Trong khi đó, ở Nhật Bản, theo thống kê, thắt dây an toàn đã cứu sống được 75/100 trường hợp người lái xe khi bị va đập mạnh, còn các vụ xe bị lật đổ thì tỷ lệ đó là 91/100 trường hợp.

Một vấn đề nổi cộm hiện nay là tình trạng ô nhiễm tiếng còi xe dù Chính phủ đã có quy định phạt từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt và sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định. Trong khi đó, tính trung bình, phải đi tới 40km, người Thụy Sỹ mới nhấn còi một lần. Để xóa bỏ "thảm họa còi xe" như hiện nay, mỗi chúng ta phải thay đổi tâm thế, tâm trạng của mình khi ra đường. Đừng coi người đi đường khác là đối thủ phải chèn ép, chen lấn, đè nén dọa nạt… bằng tiếng còi mà hãy coi nhau như người bạn chung đường.

Cơ quan quản lý giao thông phải thường xuyên kiểm tra, đảm bảo đường sá êm thuận, cung cấp đầy đủ các tín hiệu và dấu hiệu giao thông, để người tham gia giao thông có đầy đủ điều kiện chấp hành luật lệ giao thông và thể hiện VHGT, văn minh đô thị. Đồng thời, có kế hoạch cải tạo mở rộng và làm mới hệ thống đường sá, bổ sung các loại hình vận tải theo quy hoạch được duyệt, tổ chức giao thông cho phù hợp với từng thời kỳ nhằm giảm thiểu ách tắc giao thông và tai nạn giao thông, góp phần xây dựng VHGT. Ngoài ra, các cơ quan tuyên truyền cần phổ biến, hướng dẫn để người tham gia giao thông và người dân nói chung hiểu luật giao thông, các quy định và dấu hiệu giao thông, có kiến thức để thực hành VHGT.

Các cơ quan thực thi pháp luật trong giao thông như: CSGT, TTGT cần được trang bị đầy đủ các trang thiết bị để phát hiện, điều chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm luật lệ giao thông trong mọi tình huống. Ngoài ra, phải xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại và chiếm dụng các công trình giao thông như lòng đường, vỉa hè để tạo điều kiện cho người tham gia giao thông chấp hành luật lệ giao thông và thực hành VHGT. Các cơ quan thực thi pháp luật cần có hệ thống theo dõi để người tham gia giao thông hiểu rằng, nếu họ vi phạm thì sẽ bị xử lý trong mọi trường hợp và xử lý công khai và công bằng.

Bức tranh giao thông của Việt Nam đang đan xen nhiều mảng sáng, tối và để giành phần thắng trong cuộc đấu tranh chống ùn tắc, giảm trừ tai nạn giao thông, nhất thiết phải xây dựng cho được văn hóa trong lĩnh vực giao thông nói chung và giao thông đô thị nói riêng. Tuy nhiên, VHGT chỉ có thể xây dựng một cách bền vững khi mọi người tham gia giao thông, người xây dựng, quản lý và điều hành giao thông và toàn xã hội cùng chung tay đóng góp một cách thiết thực.                                                                                                                                        
VHGT là một thành tố của lối sống đô thị, của văn hóa thẩm mỹ, là gương mặt của đô thị. Khi ta nói người Hà Nội văn minh, thanh lịch thì tín hiệu đầu tiên gây ấn tượng mạnh đối với du khách là VHGT.
GS.VS Hồ Sĩ Vịnh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần