Cuộc họp có sự tham dự của đại diện Chính phủ, đại diện cho người lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) và đại diện của người sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI).
Trước tình hình căng thẳng của phiên họp lần thứ ba, GS.TS Vũ Quang Thọ - Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia, Viện trưởng Viện Công nhân- công đoàn cho “Nếu chủ tịch Hội đồng chỉ quyết ở mức 11,4 hoặc 12,4% và yêu cầu phải bỏ phiếu thì chúng tôi sẽ vẫn bỏ phiếu. Chúng tôi có 2 lựa chọn, có thể thứ nhất là không bỏ phiếu con số ấy và lựa chọn thứ hai là bỏ phiếu trắng để thể hiện quan điểm của mình”.
Chia sẻ với báo chí trong lúc nghỉ giải lao cách đây ít phút, PGS.TS Vũ Quang Thọ cho hay, buổi họp từ sáng đến giờ các đại biểu chủ yếu thảo luận, bàn luận, thương lượng để đi đến con số thống nhất. Thế nhưng, hiện giờ vẫn chưa chốt được con số để có thể đưa ra bỏ phiếu. Cho nên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho nghỉ giải lao. Bây giờ các bên tự hội ý để thống nhất quan điểm, có thể bên nâng lên, bên hạ xuống.
“Cá nhân tôi dự đoán, sau khi giải lao vào các bên có thể đưa ra chính kiến của mình, nếu không thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ đưa ra ý kiến khuyến cáo”-PGS Vũ Quang Thọ nói.
Trong khi ấy, ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay: “Theo tôi mức thấp nhất nếu hạ xuống cũng phải bằng chỉ số của năm 2015, tức là ít nhất 14,3%. Năm nay các chỉ số tình hình kinh tế Chính phủ công bố 8 tháng đầu năm đều rất đẹp, GDP tăng, xuất khẩu tăng, số doanh nghiệp hoạt động tăng, doanh nghiệp ngừng hoạt động tái hoạt động trở lại cũng tăng… thì không có lý gì phải thấp hơn. Hiện VCCI vẫn giữ nguyên mức tăng 10,7%”.
Trong trường hợp nếu bỏ phiếu không được mức tăng như ý, ông sẽ có ý kiến gì? Trả lời câu hỏi này, ông Đức Chính nói: “Tôi nghĩ Hội đồng cũng chỉ tham vấn cho Chính phủ, nếu mức tăng không được như ý muốn, chúng ta vẫn có thể tham gia cùng với Chính phủ.”
Khi đề xuất tăng lương phía VCCI thường lấy lí do về năng suất lao động, ông đánh giá vấn đề này thế nào? Ông Chính cho rằng, việc lấy vấn đề tăng năng suất lao động là không đúng bởi hiện nay lương tối thiểu không gắn với năng suất lao động. Hiện người công nhân còn chưa đủ sống thì nói gì đến năng suất lao động. “Tại sao cứ nhắm vào người lao động để nói vấn đề tăng năng suất lao động? Tăng năng suất lao động thì doanh nghiệp cũng phải tăng cường đổi mới thiết bị, đầu tư công nghệ. Đồng thời, doanh nghiệp phải đào tạo tay nghề cho người lao dộng; làm quản trị tốt hơn. Hiện nay nhiều người hiểu vấn đề năng suất lao động là do người lao động lười, nhưng thực ra không phải. Các doanh nghiệp nước ngoài đều nói người lao động Việt Nam làm việc rất cần cù, thông minh, sáng tạo. Bởi thế năng suất lao động phụ thuộc vào trách nhiệm của người sử dụng lao động”-ông Chính bức xúc.
Và, nếu tăng lương không đạt như mong muốn của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Chính cho rằng lộ trình tăng đến năm 2017 sẽ bị ảnh hưởng. Bởi lộ trình đưa ra với mức 300.000 – 350.000 đồng thì mới được 89% mức sống tối thiểu và năm 2017 còn tăng hơn 10% nữa thì mới đạt được theo đúng lộ trình.
Nói về mức điều chỉnh tăng lương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Thọ cho biết vẫn kiên trì đề xuất mức phải cao hơn năm ngoái. Bởi năm nay kinh tế tăng hơn năm ngoái, đời sống người lao động phải tăng. Mọi người cứ bám vào năng suất nhưng hiện nay nhu cầu sống tối thiểu của công nhân lao động và mức lương tối thiểu vẫn thấp hơn nhu cầu sống tối thiểu. Như thế, con người dặt dẹo làm sao đòi hỏi được năng suất, kỷ cương,…