“Chúng tôi là quân giải phóng” - đại đội trưởng Tô Nhân đĩnh đạc nói với thiếu tá Tuấn, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an đóng tại cầu Gò Vấp. “Ngài cấp bậc gì?”. “Ông không cần biết cấp bậc tôi là gì. Chỉ cần biết chúng tôi là quân giải phóng, thực hiện chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng với anh em binh lính Sài Gòn...”.
Không thương vong
Ngay từ tối 11/4/1975, cánh quân của Tô Nhân (đại đội trinh sát Z32, Lữ đoàn 316) khoảng 50 người rời bến Cây Gõ, theo đường sông hướng về Sài Gòn. Muốn đảm bảo bí mật, trừ những đoạn có thể ngồi thuyền, còn lại anh em đều vác súng đạn trên vai, đội lục bình trên đầu để ngụy trang. Mất mấy ngày, đại đội mới đến Rạch Bà Bếp (phía Nam Thủ Dầu Một, Bắc Bình Mỹ), Tô Nhân cho anh em ém quân.
Tối 28/4, sau hơn 1 ngày tiến quân, đại đội trinh sát của Tô Nhân đã đứng chân ở xóm Lò Rèn (Lái Thiêu, Sông Bé), nằm giữa khu vực cầu Bình Phước - An Phú Đông - Ngã Tư Ga. Rạng sáng 30/4, đại đội phó Trần Oanh trực tiếp chỉ huy một trung đội bất ngờ dồn dập nổ súng tấn công quân địch đóng khu ở Cầu Sắt - An Phú Đông. Địch hốt hoảng kéo chạy về Ngã Tư Ga thì gặp cánh quân do Tô Nhân chỉ huy “đón lõng” đánh chặn. Còn đang hoang mang, lui không được tiến không xong, quân địch bị cánh quân do chính trị viên Long đánh thẳng vào mạn sườn. Đến 7 giờ 30 phút, đại đội trinh sát hoàn toàn làm chủ khu vực này.
Bàn giao khu vừa giải phóng cho địa phương và giao đại đội phó Trần Oanh giữ Ngã Tư Ga, Tô Nhân cùng chính trị viên Long tiến đánh cầu Gò Vấp. Khi chiếm được phía bên này cầu, nhớ đến lời của Lữ đoàn trưởng Nguyễn Thanh Tùng (Mười Cơ): “Đánh giặc phải có mục tiêu, có điểm, có chính sách, phải bảo vệ tài sản quốc gia, hạn chế tối đa xương máu của đồng bào, binh lính Sài Gòn cũng là con em của đồng bào ta” - Tô Nhân kêu gọi hàng binh. Thiếu tá Tuấn, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bảo an đang giữ phía bên kia cầu đến gặp. Tô Nhân nói:
- Chúng tôi là cánh quân đang tiến về Sài Gòn, đi qua đội hình anh. Tôi thực hiện chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam và Chính phủ Cách mạng với anh em binh lính Sài Gòn.
- Để tôi điện về tổng tham mưu.
- Lúc này anh điện về tổng tham mưu chỉ kéo dài thời gian đổ máu của binh lính, tốt hơn anh nên chấp hành lệnh của quân giải phóng để anh em được hưởng khoan hồng. Nếu không, các anh tự do quay trở về vị trí và tôi truyền lệnh chuẩn bị chiến đấu.
- Tôi chấp hành ý ngài.
Trận chiến kết thúc mà hai bên không phải “nướng” quân trên trận địa. Hạ lệnh cho hơn 300 binh lính tiểu đoàn bảo an vứt bỏ quân trang, quân dụng tìm về với gia đình, chờ chính quyền cách mạng thực hiện chính sách sau, Tô Nhân và Trần Oanh (lúc này cũng vừa lên tới) lên chiếc xe Jeep cùng một tiểu đội trinh sát tiến thẳng về Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Mục tiêu quan trọng
Trước đó, xác định Bộ Tổng tham mưu ngụy là cơ quan đầu não của địch, nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất. Bộ chỉ huy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 quyết tâm phải cùng các đơn vị khác đánh chiếm bằng mọi giá.
Để chuẩn bị cho cuộc chiến quan trọng, từ trước Bộ Tư lệnh Miền đã tổ chức lực lượng tình báo, biệt động gài người vào trong các cơ quan của ngụy. Đầu tháng 3/1975, Chỉ huy trưởng Z28 của Lữ đoàn 316 Phạm Hữu Nghĩa (tức Bảy Vĩnh) cải trang theo đường hợp pháp từ Củ Chi về Hóc Môn, liên hệ ngay với anh Lâm Quang Hồng (tức Hai Ánh) - cơ sở được Bảy Vĩnh cài cắm vào làm việc ở Bộ Tổng tham mưu ngụy từ trước.
Ngày 6/4, đại đội trinh sát của Z32 do đại đội trưởng Tô Văn Nhân (còn gọi là Tô Nhân) chỉ huy nhận nhiệm vụ cùng Hai Ánh tổ chức đưa Bảy Vĩnh đi bằng xe Jeep vào tận cơ quan đầu não của địch nghiên cứu tình hình. Trở về, Bảy Vĩnh lên phương thức tác chiến là dùng chiến thuật hóa trang bí mật bất ngờ nổ súng tiêu diệt các cổng gác, nhanh chóng thọc thẳng vào bên trong, cướp xe tăng địch, kết hợp nội tuyến phát triển đánh chiếm sở chỉ huy hành quân, trung tâm điện toán... để làm tê liệt toàn bộ hoạt động ở nơi này.
Bên cánh của Tô Nhân cũng cài đặt được một số anh em “nằm vùng” trong Bộ Tổng tham mưu ngụy như Năm Chớ (biệt danh K30, mang lon thượng sĩ làm việc ở Phòng Nhì - tình báo quân sự), Tâm, Sơn “Mỹ”, Phước, Xi. Sau khi bàn giao các anh em này cho Bảy Vĩnh phụ trách, Tô Nhân về lại Củ Chi củng cố lực lượng, chuẩn bị vũ khí phối hợp cùng Z28 đánh chiếm mục tiêu cho ngày toàn thắng.
Hai cánh quân sáp nhập, thọc thẳng vào trong, đến thẳng khu trung tâm điện toán. Đại tá Chu Cự Hồ, chỉ huy nơi này, xin nộp toàn bộ trung tâm, trong đó có bộ ghi nhớ lý lịch của hơn 1 triệu binh lính sĩ quan ngụy. Tô Nhân trấn an: “Anh cứ giữ gìn và quản lý tốt. Quân cách mạng không phải tư thù nên anh đừng sợ. Còn đơn vị tôi anh em rất nghiêm túc, không ai đá động vật gì dầu nhỏ đâu”.
Toàn đội tiếp tục tiến vào trung tâm Bộ Tổng tham mưu. Vừa đến dinh đại tướng Cao Văn Viên, cán bộ tình báo Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh, được ta gài sâu vào làm việc ở đây) bàn giao toàn bộ chìa khóa của văn phòng Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Đúng 9 giờ 40 phút ngày 30/4, hai chiến sĩ Nam và Thông được lệnh hạ cờ ngụy, treo hai lá cờ giải phóng lên cột cờ và nóc nhà Bộ Tổng tham mưu ngụy, báo tin các cánh quân của Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong lúc này, các lực lượng ở đơn vị khác cũng đánh chiếm cổng khác, tiến vào trung tâm…
Kinhtedothi - Đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy ngày 30-4-1975. (ảnh tư liệu) |