Chuỗi nông sản an toàn: Bấp bênh đầu ra

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng các chuỗi nông sản an toàn nhằm cung cấp nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, để các chuỗi hoạt động hiệu quả bền vững, TP cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đầu ra cho nông sản an toàn.

Loay hoay tiêu thụ
Chia sẻ về những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển “Chuỗi thực phẩm AZ”, Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long cho biết, HTX đang nuôi hơn 4.000 con lợn nái và lợn thịt. Để bảo đảm sản phẩm an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ, HTX đã đầu tư dây chuyền giết mổ bán công nghiệp, sản phẩm thịt sau khi giết mổ được sơ chế, đóng gói và dán tem nhãn mác. Hiện, HTX có khả năng cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn thịt lợn/tháng, song số lượng thịt bán cho siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch chỉ đạt trên 50% sản lượng.
 Người tiêu dùng chọn mua thịt lợn an toàn tại HTX Chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Ngọc Ánh
Không chỉ sản phẩm chăn nuôi gặp khó trong khâu tiêu thụ, các sản phẩm rau an toàn của nhiều HTX cũng bí đầu ra. Theo Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) Trịnh Văn Vịnh, mô hình sản xuất rau, quả an toàn trên địa bàn phường hiện có 50ha với sản lượng trung bình 20 tấn rau/tháng. Mặc dù HTX đã ký hợp đồng với 13 trường mầm non, 5 cửa hàng bán rau an toàn nhưng mới chỉ tiêu thụ được khoảng 60% sản lượng rau cho xã viên, số còn lại nông dân phải tự tìm đầu mối tiêu thụ.

Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, hiện nay, một số chuỗi nông sản liên kết chưa chặt chẽ, thiếu ổn định. Nguyên nhân chính do khối lượng, chủng loại sản phẩm của mô hình chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêu thụ khiến việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất với DN còn lỏng lẻo. Đáng nói, mặc dù có nhiều sản phẩm chất lượng nhưng nông dân chưa chú trọng nhiều đến quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh, mẫu mã nên chưa tạo sức hấp dẫn với người tiêu dùng. Ngoài ra, do thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, người dân chưa quan tâm đến các giấy tờ chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nên gặp trở ngại khi đưa sản phẩm vào hệ thống bán hàng hiện đại.

Đến nay, Hà Nội đã xây dựng được 65 chuỗi nông sản an toàn, trong đó gồm 27 chuỗi có nguồn gốc động vật và 38 chuỗi có nguồn gốc thực vật. TP đã thí điểm cấp 10 giấy xác nhận cho 10 cơ sở của 15 chuỗi rau, thịt tại 21 điểm kinh doanh thực phẩm an toàn.

Tập trung gỡ khó

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho chuỗi nông sản an toàn phát triển, các quận, huyện cần làm tốt khâu kết nối DN với nông dân và các cơ sở sản xuất nông sản an toàn. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các ngành chức năng định kỳ lấy mẫu giám sát phân tích chất lượng nông sản, đặc biệt là sản phẩm rau, thịt, thủy sản để giám sát các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn ở Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận. Đồng thời, tăng cường phát triển chuỗi, xác nhận chuỗi bảo đảm ATTP, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng. Hiện, Sở NN&PTNT đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các hoạt động tham quan nơi sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm an toàn. Từ đó, hướng người tiêu dùng thay đổi thói quen, sử dụng những mặt hàng an toàn có nguồn gốc, xuất xứ thay vì dùng hàng trôi nổi trên thị trường.

Theo ông Tường, để đạt hiệu quả bền vững, Nhà nước cần hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm bảo đảm ATTP. Đặc biệt, phát triển việc hỗ trợ ứng dụng phần mềm hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bảo đảm ATTP tập trung tại các cơ sở sản xuất, HTX, trang trại, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở chế biến, cửa hàng thực phẩm, siêu thị, chợ đầu mối…