Theo đó, năm 2019, từ ngày 1/8 đến 4/8/2019 cơn bão số 3 và hoàn lưu đã ảnh hưởng trực tiếp đến Chương Mỹ. Với phương châm “4 tại chỗ”, UBND huyện đã giao các xã, thị trấn chuẩn bị loại dụng cụ, vật tư, chủ động đối phó với thiên tai. Về lực lượng, có 3720 người là xung kích tại chỗ, 5.600m3 đất, 119.000 bao tải. Đồng thời, đánh giá lại chất lượng công trình đê điều, cầu cống, trạm bơm, hồ đập kênh tiêu để có biện pháp xử lý kịp thời những công trình xuống cấp, hư hỏng…
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị |
Do làm tốt công tác phòng chống, nên huyện Chương Mỹ đã giảm thiểu được thiệt hại do thiên tai, lũ lụt gây ra. Năm 2019, mưa lũ chỉ làm ảnh hưởng đến 410ha lúa, 17ha rau màu, sạt lở 55m bờ tràn đập Vàng (xã Tân Tiến), trôi 26 khoang cống, 8.500m đường giao thông nội đồng bị ngập, 2 nhà cấp 4 của người dân bị sập… UBND huyện đã trích ngân sách 820, 67 triệu đồng để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất.
Về công tác phòng, chống dịch tả lớn châu Phi, ngày 22/3/2019, xuất hiện ổ dịch đầu tiên ở xã Lam Điền. Đến 32/12/2019, đã tiêu hủy con lợn mắc bệnh cuối cùng ở xã Thượng Vực và không phát sinh thêm ổ dịch mới. Tổng số lợn phải tiêu hủy là 42.313/248.202 con, chiếm 16,97% tổng đàn. Tổng kinh phí hỗ trợ cho người dân gần 103 tỉ đồng.
Năm 2020 được dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, do đó công tác phòng chống thiên tai sẽ gặp nhiều khó khăn, mặt khác hệ thống đê điều trên địa bàn đắp lâu ngày đã lún, không đảm bảo cao độ thiết kế, một số cống dưới đê đã hư hỏng, thẩm lậu. Cùng với đó, các trạm bơm hiện phần lớn chưa đảm bảo năng lực tiêu so với lượng mưa trên 250 mm/ trận. Các tuyến kênh tiêu bị sạt lở, bồi lắng hoặc bị đăng chặn làm cản trở dòng chảy, hệ thống điện cao thế khi có mưa bão thường xảy ra sự cố mất điện làm một số trạm bơm phát huy hiệu quả thấp…
Trước thực tế đó, huyện đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện các phương án phòng chống bão lũ trước ngày 15/5. Hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình đê điều, thủy lợi trước mùa mưa lũ. Tu bổ, sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp xong trước 31/5; kiểm kê, bổ sung vật tư dự trữ cần thiết cho việc xử lý tại chỗ. Ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng Chống thiên tai…Tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Đê điều, Luật Phòng, Chống thiên tai…Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, ban ngành xây dựng phương án để tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn…
Do địa bàn Chương Mỹ nằm trong vùng ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ rừng ngang, thường xuyên ảnh hưởng ngập úng, nhưng chưa có giải pháp giải quyết triệt để; trong khi điều kiện kinh tế của huyện còn khó khăn, từ đó Chương Mỹ cũng đề xuất UBND thành phố sớm đầu tư các công trình trạm bơm như An Sơn (xã Đông Phương Yên), Đồng Cò, Đồi Hương (thị trấn Xuân Mai), An Duyệt (xã Tốt Động)… Nghiên cứu xây dựng tuyến kênh “lái” lũ rừng ngang, để đảm bảo an toàn cho toàn bộ các xã vùng Hữu sông Bùi…
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng trao tặng giấy khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Chương Mỹ có 3 con sông chảy qua là sông Tích, sông Bùi và sông Đáy, nhưng “không hiền hòa” nên lúc nào huyện cũng phải sẵn sàng ứng phó với thiên tai …Trong mấy năm qua, do chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang, huyện đã đề nghị UBND TP, Bộ TN&MT xây dựng hệ thống đê chống lũ ở những xã nằm bên Hữu sông Bùi, lên phương án di dân lên vùng gò đồi cao.
“Muốn tiêu được sông Bùi, phải tiêu được sông Đáy và tiêu được nước sông Hoàng Long, chiến lược lâu dài phải quy hoạch di dân. Nhưng khi chưa được cấp trên phê duyệt phương án cụ thể, huyện phải có phương án sống chung với lũ. Mấy năm nay, dù lũ lụt diễn ra thường xuyên, nhưng đời sống, an toàn toàn tính mạng và tài sản cho người dân luôn được đảm bảo…”- Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.