Chương Mỹ trăn trở tìm nguồn lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với Ba Vì, Chương Mỹ là một trong 2 huyện ngoại thành có số đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất. Chính đặc thù này cũng đặt ra yêu cầu cao hơn về nguồn lực khi triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM).

Loay hoay bài toán vốn

Chương Mỹ có 2 thị trấn và 30 xã với diện tích rộng và điều kiện tự nhiên khá đa dạng. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, Chương Mỹ cũng được đánh giá là một trong những huyện có xuất phát điểm thấp, còn nhiều khó khăn của TP. Đơn cử như năm 2010, với các tiêu chí như giao thông, thủy lợi, trường học, toàn huyện chỉ có 1 xã cơ bản đạt chuẩn, chiếm 3,3%. Nhiều tiêu chí khác như cơ sở vật chất (CSVC) văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, hộ nghèo… thậm chí còn chưa có xã nào đạt chuẩn. Với sự quyết tâm vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, đến nay, huyện đã có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Ngoài ra, xã Trần Phú đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí NTM nhưng chưa được công nhận, 5 xã đạt và cơ bản đạt 17 - 18 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 11 tiêu chí trở lên. Năm 2016, huyện phấn đấu có 7 xã đạt chuẩn NTM.
Đường giao thông nông thôn tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ.
Đường giao thông nông thôn tại xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ.
Nói về khả năng hoàn thành chỉ tiêu về đích NTM theo kế hoạch, lãnh đạo huyện Chương Mỹ dù tỏ rõ quyết tâm song cũng thẳng thắn chia sẻ khá nhiều trăn trở bởi rất nhiều công trình, dự án gặp khó khăn về nguồn vốn triển khai. Chủ tịch UBND huyện Đinh Mạnh Hùng cho biết, qua đánh giá đến hết năm 2015, các tiêu chí giao thông, thủy lợi, CSVC văn hóa trên địa bàn vẫn đạt ở mức thấp. Đây là các tiêu chí liên quan đến GPMB và kinh phí đầu tư lớn trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế và nguồn thu từ đấu giá đất còn chậm, giá đất thấp. “QL6 là tuyến đường huyết mạch, góp phần phát triển các vùng phía Tây Thủ đô nhưng gần chục năm nay chưa được quan tâm đầu tư” - ông Hùng chia sẻ.

Thêm vào đó, theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, huyện có số trường học đứng đầu TP, nếu không được hỗ trợ đầu tư CSVC thì khó hoàn thành được chỉ tiêu trường, lớp đạt chuẩn và như thế đích đến NTM sẽ còn rất gian nan. Hiện, toàn huyện còn 14 xã chưa đạt tiêu chí về trường học, chiếm 47% và 16 xã chưa đạt tiêu chí giao thông, chiếm 53%.

Rà soát lại đề án

Ngoài những khó khăn do tác động khách quan, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng thẳng thắn nhìn nhận các điểm hạn chế đang tồn tại trong quá trình triển khai xây dựng NTM tại địa phương. Đó là công tác tuyên truyền, vận động có nơi còn hạn chế, chưa sâu rộng nên chưa phát huy được sức mạnh của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho địa phương để hoàn thành mục tiêu đưa 7 xã về đích NTM trong năm nay, huyện đề nghị TP đổi mới cơ chế tín dụng nông thôn và phân cấp cho huyện trong thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá đất xen kẹt dưới 5.000m2.

Chia sẻ những khó khăn của huyện Chương Mỹ, ông Nguyễn Duy Phong - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, kế hoạch giao dự toán kinh phí xây dựng NTM toàn TP năm 2016 là 640 tỷ đồng. Trong đó, riêng huyện Chương Mỹ được hỗ trợ cho 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là 10 tỷ đồng, ngoài ra còn trên 30 tỷ đồng hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng. Với 5 xã phấn đấu thêm hoàn thành NTM trong năm nay, ông Phong đề nghị huyện có báo cáo chi tiết để có cơ sở hỗ trợ. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Tài chính cũng lưu ý, theo quan điểm chỉ đạo mới nhất của Chính phủ là ưu tiên hỗ trợ các xã đạt dưới 5 tiêu chí và trên 15 tiêu chí.

Tại buổi làm việc với huyện Chương Mỹ mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đề nghị, đối với 20 xã còn lại chưa đạt chuẩn NTM, huyện cần rà soát lại đề án và dự toán kinh phí. Trong 5 năm tới, huyện nên xây dựng kế hoạch chi tiết hoàn thành từng chỉ tiêu cũng như lộ trình về đích của từng xã. Đối với những xã chưa có nguồn lực, trước mắt cần vận động Nhân dân thực hiện tốt các tiêu chí không cần nhiều kinh phí như văn hóa, giáo dục, môi trường… Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi cho các DN phát triển sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần